Đối tác Pháp – Việt Nam: Chúng ta không được quên các quyền tự do của các công dân Việt Nam
Le Monde.fr ngày 24.09.2013
Phạm Toàn dịch
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng sẽ đến Paris
ngày 24 tháng 9 này để thăm chính thức Pháp. Ông ta được chính phủ Pháp
mời, trong bối cảnh muốn có quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam nhân
năm 2013-2014 được gọi là “năm Pháp-Việt” kỷ niệm năm thứ 40 thiết lập
quan hệ ngoại giao đôi bên. Ngoài những mối liên hệ lịch sử, kinh tế và
tình cảm giữa hai nước, cuộc hôn phối này nhang nhác giống cuộc hôn phối
của Người đẹp và Quái vật, cuộc hôn phối của “Tổ quốc các quyền con
người” với kẻ đào hố chôn các quyền tự do.
Thực vậy cuộc viếng thăm này diễn ra khi Việt Nam dù
đang sẵn sàng tham gia Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc năm tới đây
song vẫn tăng cường đàn áp chống các blogger và những người bất đồng
trên mạng internet, những người tích cực hoạt động vì dân chủ, những
người bảo vệ các quyền con người và những nhà bất đồng về chính trị và
những nhà bất đồng về tôn giáo. Chế độ chính trị của Việt Nam khốn khổ
vì căn bênh tâm thần phân liệt này kể từ khi nó mở cửa “Đổi Mới” kinh
tế, chính sách cải cách kinh tế tung ra năm 1986: họ cần phải làm vừa
lòng cộng đồng quốc tế gắn bó với các quyền con người (nhằm thu hút tư
bản và các loại viện trợ) đồng thời vẫn đàn áp dân chúng (để không mất
quyền lực).
31 TRIỆU NGƯỜI DÙNG MẠNG
Tự do diễn đạt trên Internet là điều chế độ này ghét
thậm tệ. Hà Nội vừa mới ký nghị định 72/2013/ND-CP có hiệu lực ngày 1
tháng 9, xử phạt có hệ thống những ai lên tiếng nhân danh quyền tự do
đó. Thực ra thì Việt Nam đã từng dựa rất nhiều vào hệ thống Web để phát
triển kinh tế, đến độ là chỉ trong vài ba năm mà trở thành một trong
những nước dùng mạng internet nhiều nhất Đông Nam Á. Kết quả là từ năm
2000, số người Việt Nam dùng mạng đã nhân gấp 15 lần, đạt con số 31
triệu người, hoặc một phần ba dân số. Nếu trước đây chỉ vào các quán cà
phê có nối mạng thì mới vào mạng được, giờ đây, internet đã xâm nhập vào
các gia đình, đặc biệt là thông qua điện thoại di động (130 triệu máy
với dân số 90 triệu người).
Bước nhảy Internet kinh hoàng đó đã thức tỉnh cơn khát
của người dân về thông tin, về trao đổi ý kiến, và về sự tham gia vào
công việc của đất nước. Các blog lớn và nhỏ đã nở rộ tới nhiều triệu địa
chỉ và thế là đủ để bất cần đến những thông tin manh mún của nền báo
chí chính thống hoạt động theo mệnh lệnh, từ đó làm bớt đi sự bất động
của các tổ chức Nhà nước và các tổ chức khác nằm dưới quyền một đảng duy
nhất. Một manh nha của nền báo chí tự do đã khai sinh cùng các blog
này. Những blog tiêu biểu nhất hẳn phải là Bauxite VN và Dân Làm Báo
(“người công dân đứng ra làm báo”).
Song song với điều đó, người dân đã có thể động viên
nhau tham gia vào những vấn đề họ đang quan tâm. Có vấn đề người nông
dân bị trục xuất ra khỏi đất đai của mình, tệ tham nhũng trong cán bộ,
những nguy cơ bị Tàu khai thác bôxit trên Cao nguyên (Trung bộ). Cũng có
cả chuyện người dân bất bình trước sự yếu kém của chính phủ trong các
tranh chấp với Trung Hoa về các đảo trên Biển Đông. Giữa tháng Sáu và
tháng Tám năm 2011, nhờ vào hệ thống tin nhắn và Facebook, các cuộc biểu
tình đã được tổ chức vào các ngày Chủ nhật tại Hà Nội và thành phố Hồ
Chí Minh để phản đối chính phủ và nước Tàu. Các cuộc biểu tình này đều
bị đàn áp.
QUẤY RỐI VÀ BẠO HÀNH
Là một nước ở Đông Nam Á nằm trong số những nước vào
mạng Internet nhiều nhất, và là một trong những nước vi phạm tồi tệ nhất
quyền tự do ngôn luận của người dân. Ngay từ ban đầu, Việt Nam đã nhìn
thấy ở Internet một mối đe dọa, nên nó đã tiến hành công việc ngăn chặn
những “hệ quả tiêu cực” của Internet, nghĩa là ngăn chặn cái quyền tự do
mà Internet có thể làm cho người dân tiêm nhiễm. “Với sự bùng nổ của
Internet, quyền tự do ngôn luận và quyền tự do báo chí trở thành một vấn
đề toàn cầu” ta có thể đọc được điều viết như thế rất gần đây trên báo
chí chính thống.
Tuy vậy, sự bùng nổ của tiếng nói trên Internet đã khiến
nhà cầm quyền Việt Nam hết cách chống chọi, họ phải dùng nhiều cách để
đàn áp các chủ blog và những nhà bất đồng chính kiến trên mạng: những
cuộc quấy rối, công an thuê bọn lưu manh côn đồ đàn áp, bắt đi nằm bệnh
viện tâm thần, bạo hành của cảnh sát kể cả xâm phạm bằng tính dục, bắt
bớ và giam cầm không cần xét xử. Và cả những vụ án bất công với những
bản án có sẵn tuyên án tù nhiều năm.
Trên thực tế, Việt Nam đang phạm vào cuộc đàn áp tồi tệ
nhất chống lại những nhà hoạt động vì dân chủ và chống lại các blogger.
Riêng năm 2013 này, 49 nhà bất đồng chính kiến đã bị đưa vào tù! Một
cách trâng tráo, chính phủ của Nguyễn Tấn Dũng đem che phủ lên toàn bộ
tình hình đó bằng lớp sơn quang dầu gọi là tính pháp lý với cả một rừng
những đạo luật gian xảo mà nghị định 72 chỉ là một thí dụ cuối cùng.
“AN NINH QUỐC GIA”, MỘT KHÁI NIỆM ĐỂ NHÉT ĐỦ THỨ VÀO
Việt Nam đã áp đặt và kiểm soát chặt chẽ những người sử
dụng Internet qua những chủ quán café-Internet cũng như lắp đặt các
thiết bị gián điệp ngay trên các máy tính trong quán. Việt Nam đã lập ra
ngạch Cảnh sát mạng để xua đi những “thông tin cấm”. Việt Nam đã áp đặt
trách nhiệm hình sự cho các người dùng Internet không chỉ về những gì
họ làm trên trang Web mà cả về những thông điệp họ nhận được nữa. Song
song với chuyện đó, chế độ cai trị Việt Nam đã tiến hành dùng thiết bị
gián điệp để mở các cuộc tiến công vào các trang mạng đối lập ở nước
ngoài và làm gây nhiễm virus cho hàng nghìn máy. Họ lập ra những đối thủ
cạnh tranh ở địa phương của Facebook hoặc Twitter để kiểm soát những
người vào mạng, bắt họ phải khai báo vào đâu nhân thân thực của mình để
có thể đăng nhập.
Còn về nghị định 72, văn bản này cấm la liệt vô số điều
đến độ là không ai biết mình có quyền được làm gì nữa. Nghị định này bắt
các nhà cung cấp dịch vụ Internet ở nước ngoài phải cung cấp thông tin
về người dùng tại Việt Nam. Nó cũng cấm những người vào mạng không được
nói đến thời sự trên các trang blog, các trang mạng cá nhân hoặc các
mạng xã hội. Nó chỉ cho phép dùng các thông tin “cá nhân” thôi. Chế độ
cai trị ở Việt Nam giải thích một cách “dễ nghe” rằng đó là nhằm bảo vệ
quyền tác giả…
Bên cạnh mọi biện pháp chuyên biệt đó, Việt Nam còn có
một kho những văn bản chống lại việc tự do bộc lộ những quyền chung của
con người. Trước hết, đó là những điều trong Luật hình sự đối với khái
niệm “an ninh quốc gia” trong đó nhét đủ thứ tội vào, là điều Liên Hợp
Quốc đã vạch trần từ lâu rồi nhưng không có hiệu quả.
NHỮNG NHÀ BÁO QUÁ TÒ MÒ BỊ BẮT GIAM
Những ai liên hệ với nước ngoài đều có thể bị truy tố vì
tội “gián điệp” (điều 80 bộ Luật hình sự). Điều 88 về tội “tuyên truyền
chống nhà nước xã hội chủ nghĩa” với khung án từ 3 đến 20 năm tù cũng
được dùng hết sức rộng rãi để đàn áp lại một điều phê phán dù chỉ bé tí
xíu. Một trong những điều luật cực kỳ Kafka là điều 258 xử việc “lợi
dụng quyền tự do dân chủ để làm phương hại các quyền lợi của Nhà nước”
có khung án tù tới 7 năm.
Tất cả các văn bản luật đó tạo ra một không khí khủng bố
và dẫn con người đến chỗ tự kiểm duyệt, là hình thức kiểm duyệt khủng
khiếp nhất. Các nhà báo phải bồi thường quyền lợi những nhân vật bị họ
nêu trong các bài báo họ đăng. Các nhà báo quá tò mò đều bị bắt giữ, như
Võ Thanh Tùng và các cộng sự vào tháng Tám năm ngoái, hoặc như Nguyễn
Văn Khương, bị bắt hồi năm 2012. Tất cả họ đều viết về nạn hối lộ của
cảnh sát và đều bị truy tố vì tội… nhận hối lộ.
Sự đàn áp chống lại tự do ngôn luận và tự do báo chí chỉ
là cái mỏm nhìn thấy được của tảng băng chìm. Trên thực tế, toàn bộ xã
hội Việt Nam đều bị đàn áp: có những người nông dân vô cớ bị đuổi ra
khỏi đất đai của họ, có những người dân tộc thiểu số (miền núi, H’mong,
Khmer krom, v.v.) và những tôn giáo “không được công nhận” (đạo Phật,
đạo Ki tô, Cao đài, Phật giáo Hòa hảo và những người theo đạo Tin lành)
họ liên tục bị quấy rối, bị hành hung, bị bắt bớ và giam cầm vô cớ. Từ
năm 2003, Thích Quảng Độ, người đã 86 tuổi đứng đầu Phật giáo Thống nhất
của Việt Nam, bị bắt rồi giam tại một nhà chùa dùng làm nhà tù mà không
rõ vì cớ gì. Nhưng về những chuyện đó, rất có thể sẽ không hề được nêu
ra trong cuộc gặp sắp tới tại dinh Matignon (của Thủ tướng Pháp).
Copy từ: Bauxite Việt Nam
...................
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét