Hà Văn Thịnh
Lâu
lắm rồi tôi không viết, vì nhiều lẽ, nhưng cái chính là do tiêu cực,
tham nhũng, cái ác, cái xấu của quan chức nhiều quá; sự dốt nát, lộng
hành, khinh dân - kiêu binh... của các cấp lãnh đạo nhiều quá (chẳng
hạn: hơn 50.000 văn bản sai quy phạm pháp lý, đến mức như những trò
hề)..., thành thử, nếu viết sẽ lại trùng, lại lặp, bởi động đến cái gì
cũng có “tham gia” rồi (tôi đã từng có bài “Viết cái gì và viết thế nào
đây”)...
Thế nhưng, hôm nay đọc bài của ông Nguyễn Chơn Trung – Sáu Quang , tự thấy rằng không thể im lặng...
Trong
các “nguyên tắc” của phản biện thì tiêu chí đầu tiên không thể thiếu là
sự chặt chẽ của lập luận, chứng cứ. Ông Nguyễn Chơn Trung phê phán ông
Lê Hiếu Đằng để “thức tỉnh” – phù phép hàng triệu người có thể “lầm lạc”
(như ông Lê Hiếu Đằng?) nhưng lại quá kém cỏi khi sự biện hộ biến thành
ngụy biện một cách thô thiển. Do khuôn khổ của một bài có hạn, xin nêu
ra mấy chỗ khó chấp nhận sau đây.
Thứ nhất, ông Nguyễn Chơn Trung cho rằng “Đã
có hàng triệu đảng viên ngã xuống trên khắp các chiến trường, trong lao
tù thì mới có nước Việt Nam hòa bình – độc lập – thống nhất cùng với 27
năm đổi mới đất nước như hôm nay”. Thật là nực cười khi trong những thành tựu mà
NCT vơ hết vào mình ấy chẳng thấy bóng dáng nào của NHÂN DÂN – DÂN TỘC?
Càng khôi hài hơn nữa khi ai cũng biết rõ rằng “ngày xưa” đảng viên ít
lắm, đông như bây giờ thì cũng chỉ chiếm 3% dân số. Vậy, nếu đảng viên
chết hàng triệu (“hàng triệu” có nghĩa là phải từ hai triệu trở lên) thì
dân chết hàng chục triệu sao? Và không lẽ sự nghiệp giải phóng, thống
nhất đất nước chỉ do mỗi đảng viên làm?
Thứ hai, ông Nguyễn Chơn Trung cho rằng “vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế đã lớn mạnh hơn xưa nhiều lắm” bởi thành tích xóa đói giảm nghèo rất ấn tượng. Đọc
đến đây thì chắc hẳn ai cũng phải nghẹn họng bởi cách viết nói lấy được
không hề biết thế nào sự run rẩy của sự xấu hổ mỏng manh nhất: 30 năm
sau chiến tranh, Nhật Bản là cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, Hàn
Quốc là con rồng mới của châu Á, Cộng hòa LB Đức là nền kinh tế thứ
ba...; còn ta, sau 38 năm, vẫn cứ mải mê mài miệt với sự tự sướng xóa
đói giảm nghèo? Làm sao có vị thế lớn mạnh nếu chỉ loay hoay với
xóa đói, giảm nghèo? Ông Nguyễn Chơn Trung không biết rằng tự hào xuất
khẩu gạo nhất nhì thế giới mà cứ tự ca xóa đói là tự vả vào mặt mình đấy
– nếu không muốn nói là đang tiếp tục tự bóc trần bộ mặt thật để mặc
hàng vạn người bị đói trong lúc xuất khẩu để vơ vét, làm giàu cho một
thiểu số nhỏ nhoi. Và, đã xóa đói, giảm nghèo được chưa khi thu nhập
thực tế của hàng triệu hộ gia đình nông dân hiện nay chỉ có 48.000
đồng/ngày – cho 4-5 miệng ăn?
Thứ ba, sự ngụy biện vô lối còn đáng hãi hơn nữa khi ông Nguyễn Chơn Trung triết lý trong cái gọi là thơ với những câu Đời
cho ta trí óc thông minh/ Đời với ta như kiếm như gươm/ Ta đưa Đời đến
vinh quang/ Đời làm ta quá phũ phàng vậy sao/ Đời làm ta lao đao lận
đận/ Không bao giờ ta hận với Đời... Không biết “Đời” ở đây có thực
là đời hay không vì ông Nguyễn Chơn Trung viết hoa hay ám chỉ một Đ nào
đó nhưng thấy hao hao giống những câu khẩu hiệu lòe dân mà ai cũng biết.
Chẳng hạn, trí thông minh là bẩm sinh của một con người, thừa hưởng từ
mẹ, cha, ông bà, tiên tổ, từ Tạo Hóa chứ chẳng có Đ hay Đời nào mang đến
được! Chẳng lẽ ông Nguyễn Chơn Trung không biết câu nói nổi tiếng của
một danh nhân rằng một triệu kẻ ngu dốt cũng không thể có được một quyết
định thiên tài? ông Nguyễn Chơn Trung chỉ đúng có duy nhất một điều
(trong cả bài): Ta đưa Đời đến vinh quang/ Đời làm ta quá phũ phàng vậy sao (!)...
Thay lời kết bằng điều đáng bàn thứ tư: ông Nguyễn Chơn Trung đã “ví von một cách hình ảnh” rằng với một căn nhà, khi cột, kèo bị mục nát thì có nên sửa chữa
hay không? Thưa ông NCT, dột từ nóc, chỉ có nghèo kiết xác mới lấy mo
cau mà trám cho cho đỡ ướt, chứ còn cột và kèo đã mục nát thì chẳng có
bất kỳ người nào có vài phần trăm chất xám trong đầu lại đi sửa chữa cả.
Chỉ có vất bỏ đi, thay mới thôi, thưa ông!
Huế, 27.8.2013
H.V.T.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét