CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

Tử vong sơ sinh: Những con số giật mình


KTĐT - Những cái chết liên tiếp liên quan đến vaccine khiến người dân hết sức bàng hoàng, đau đớn. Tuy nhiên, đây chỉ là con số nhỏ trong số 27.000 trẻ sơ sinh tử vong mỗi năm tại Việt Nam (tính trung bình mỗi ngày có đến 65 - 70 trẻ tử vong).
50% do sinh non
Tại Bệnh viện (BV) Phụ sản T.Ư, kết quả nghiên cứu trong năm 2012 của Trung tâm Chăm sóc và Điều trị trẻ sơ sinh do các bác sĩ Vũ Thị Vân Yến và Nguyễn Ngọc Lợi thực hiện cho thấy, trẻ sơ sinh có nguy cơ tử vong vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong tổng số hơn 29.000 trẻ sinh ra tại BV Phụ sản T.Ư năm 2012, tỷ lệ tử vong sơ sinh chiếm 1,37%. Đa số trẻ tử vong sơ sinh là trẻ cực non (dưới 28 tuần tuổi) và có cân nặng thấp (dưới 1.000g), chiếm hơn 40% trong tổng số trẻ tử vong. Ngoài ra, các bệnh lý xuất huyết não - màng não, đa dị tật, suy hô hấp, phù thai, sốc, viêm ruột hoại tử, nhiễm trùng sơ sinh, vàng da, suy dinh dưỡng, Rubella bẩm sinh, tăng áp phổi, bất thường nhiễm sắc thể… cũng là nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh tử vong. Còn tại BV Từ Dũ, TP Hồ Chí Minh, theo một công bố mới đây thì nguyên nhân gây tử vong trẻ sơ sinh trong cộng đồng là sinh non và biến chứng sinh non chiếm gần 50%, nhiễm trùng sơ sinh chiếm 22%, ngạt khoảng 16% và dị tật bẩm sinh 15%. Theo các bác sĩ, chính vì ra đời quá sớm nên trẻ sinh non phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm. Tại BV này, mỗi năm, số trẻ sinh non nhẹ cân dao động khoảng 500 - 700 trường hợp.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Về nguyên nhân sinh non, bác sĩ Vũ Bá Quyết - Phó Giám đốc BV Phụ sản T.Ư liệt kê nhiều nguyên nhân, như do tử cung (dị dạng, u xơ, hở cổ tử cung); phôi (song thai, đa thai, dư ối, thai dị dạng nặng, vỡ ối sớm, nhau tiền đạo); do mẹ bị nhiễm trùng (đường tiểu, hô hấp…), nhiễm độc (thuốc lá, rượu, chất gây nghiện); nhiễm độc thai; tiểu đường; có thai tuổi quá nhỏ dưới 14 hoặc quá lớn trên 40 tuổi; làm việc quá nhiều, thiếu ăn, di chuyển liên tục…
Giảm nhưng vẫn lo
Thống kê của BV Nhi T.Ư, mỗi năm có khoảng 4.000 - 5.000 bệnh nhi sơ sinh nhập viện điều trị tại khoa Sơ sinh và có khoảng 700 trẻ tử vong và nặng xin về. Những năm gần đây, tỷ lệ sơ sinh tử vong và nặng xin về đang có xu hướng giảm dần, năm 2008 (21,8%), năm 2009 (17,59%) và năm 2010 (14,76%), năm 2012 dưới 10%. Còn tính chung cả nước, theo thống kê của tổ chức Save the Children tại Việt Nam cho thấy, tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh đã giảm rõ rệt theo từng thập niên nhưng vẫn còn cao. Hiện mỗi năm Việt Nam vẫn có đến 1,5 triệu trẻ em được sinh ra, số ca tử vong sơ sinh rơi vào khoảng 27.000 ca/năm, chiếm tới 1/3 tổng số tử vong chung. Tỷ lệ này ở các khu vực miền núi, vùng sâu, hẻo lánh, nông thôn hay trong các gia đình nghèo cao gấp 3 - 4 lần so với vùng đồng bằng và các gia đình khá giả. Như vậy, Việt Nam vẫn nằm trong số các nước có số lượng trẻ em tử vong nhiều trong khu vực cũng như trên  thế giới. Về các giải pháp hạn chế tỷ lệ tử vong này, ông Đoàn Anh Tuấn - quyền Giám đốc của Save the Children tại Việt Nam cho  rằng, Việt Nam cần củng cố hệ thống y tế nhằm tăng cường khả năng tiếp cận của phụ nữ tới người đỡ đẻ có kỹ năng. Bên cạnh việc đầu tư thêm cho các chương trình chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, các khoản đầu tư khác cho nhân viên y tế tuyến đầu và y tế cộng đồng cũng nên được chú trọng để các bà mẹ và trẻ sơ sinh là các đối tượng dễ bị tổn thương nhất được chăm sóc và chữa trị.Cách đây 4 năm, Bộ Y tế đã phê duyệt Kế hoạch hành động vì sự sống còn của trẻ em giai đoạn 2009 - 2015 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 giảm tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 18%; tỷ lệ trẻ em tử vong dưới một tuổi xuống dưới 15%; tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh xuống dưới 10%. Kế hoạch này đã đi hơn nửa chặng đường, Việt Nam cũng là một trong 18 nước trên thế giới triển khai chương trình "Chăm sóc trẻ sơ sinh", số ca tử vong sơ sinh dù đã giảm nhưng vẫn là điều đáng lo đối với mỗi sản phụ trước khi lâm bồn. Để thực hiện được mục tiêu này, có lẽ cần hơn nữa sự quan tâm của ngành y cũng như đầu tư lớn hơn cho các chương trình chăm sóc thai nhi, sản phụ và trẻ sơ sinh.
Đoàn Hải


Copy từ: Kinh Tế Đô Thị

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét