Số 175 (15-07-2013)
Người
ta đã trông chờ các nhà trí thức sẽ mau chóng nói lời phản biện sau
Tuyên bố chung Bắc Kinh nhưng tới nay vẫn chưa thấy gì. Hai mươi ba năm
trước, lúc lãnh đạo CSVN quyết định chuyển hướng 180 độ để thần phục
Trung Quốc cách ô nhục tại Thành Đô, đã hầu như không có một phản ứng
nào từ giới nhân sĩ.
“Vừa rời cảng Lý Sơn ra đến vùng biển Hoàng Sa đánh bắt hải sản được 3
ngày thì chúng tôi gặp nạn. 7g sáng ngày 7-7, sau khi 15 ngư dân trên
tàu ăn bữa sáng nhẹ, chuẩn bị dây hơi bắt đầu lặn tìm hải sâm thì chiếc
tàu to lớn, sơn màu trắng cùng chiếc ca nô bất ngờ lao tới. Thấy tàu
mang số hiệu 306 to lớn gấp 10 lần lao nhanh về phía tàu cá, tôi hô anh
em vào khoang trú rồi tăng hết ga. Sau 1g theo bám, tàu Trung Quốc áp
sát, nhiều người mặc quân phục xanh đậm, rằn ri cầm dùi cui điện nhảy
sang tàu cá và dồn ngư dân về phía trước mũi tàu, hai tay để sau đầu.
Tôi, thuyền trưởng và hai ngư dân Tốt, Nở bị bắt sang tàu Trung Quốc
và phải giơ cao hai tay quì ở phía sau. Sau đó trở lại tàu, nhóm người
Trung Quốc lao lên nóc cabin, dùng dao chặt hai trụ cờ ném xuống biển.
Tôi cúi xuống bên mạn tàu vớt lá cờ Tổ quốc lên thì nhóm người Trung
Quốc xộc tới với thái độ hung dữ chẳng khác nào cướp biển. Họ dùng cùi
chỏ tay đánh vào phía sau đầu, dùng dùi cui dí điện vào người khiến tôi
ngất xỉu… Không chỉ đánh, đá ngư dân, nhiều người trên tàu Trung Quốc đã
dùng búa, xà beng đập bể nát kính cabin, chẻ nhỏ các cửa nắp hầm, cửa
tủ, dùng dao băm nát 720m dây hơi thành nhiều đoạn nhỏ. Sau đó họ lấy đi
nhiều thiết bị, 5000 lít dầu, 1 tấn cá, gây tổng thiệt hại 400 triệu
đồng”.
Lời thuyền trưởng Võ Minh Vương (ngụ thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý
Sơn) nói với phóng viên báo VnExpress hôm 11-07 vừa qua như vậy đã gây
chấn động đồng bào VN trong và ngoài nước. Chưa hết! Phóng viên báo kể
tiếp:
“Sau khi đánh đập ngư dân, thu giữ tài sản trên tàu cá ông Vương, tàu
306 Trung Quốc tiếp tục rượt đuổi, tấn công tàu ông Mai Văn Cường (quê
Lý Sơn). Ông Cường cho biết: vụ việc xảy ra lúc 9g sáng ngày 7-7, trong
khi 14 lao động đang hành nghề. Thấy tình hình không ổn, ông Cường vội
tăng tốc rồ ga tàu bỏ chạy nhưng máy nổ trục trặc nên chạy được vài hải
lý thì bị tàu TQ áp sát, tấn công. Người trên tàu 306 đã tràn qua tàu cá
của ông Cường dùng dùi cui điện uy hiếp, đánh ngư dân, chặt phá toàn bộ
dây hơi, dây neo, lấy đi máy định vị, máy dò, hệ thống Icom và hơn 2
tấn cá, rồi bỏ đi. Tổng thiệt hại ước tính hơn 200 triệu đồng. Sau gần
hai ngày đêm, hai tàu cá anh Vương và Cường về quê huyện đảo Lý Sơn
trong tình trạng dò đường vì mất hết trang thiết bị, thông tin liên
lạc”.
Câu chuyện thương tâm trên xảy ra chỉ hơn hai tuần sau Tuyên Bố chung
giữa hai Chủ tịch Trương Tấn Sang và Tập Cận Bình (21-06-2013), trong đó
có đoạn:
“3 (xiii)- Hai bên sẽ tiếp tục thực hiện tốt
“Hiệp định hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ”; tích cực nghiên cứu
phương thức kiểm tra liên hợp mới tại khu vực đánh cá chung ở Vịnh Bắc
Bộ. Hai bên đánh giá cao “Thỏa thuận giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn VN và Bộ Nông nghiệp TQ về việc thiết lập đường dây nóng về
các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển” được ký
kết trong chuyến thăm lần này, xử lý thỏa đáng các vụ việc phát sinh đột
xuất của hoạt động nghề cá trên biển giữa hai nước phù hợp với quan hệ
hai nước. 4- Hai bên trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề
trên biển, nhất trí việc Lãnh đạo hai Đảng, hai nước duy trì trao đổi và
đối thoại thường xuyên về vấn đề trên biển VN-TQ, chỉ đạo và thúc đẩy
giải quyết ổn thỏa vấn đề trên biển xuất phát từ tầm cao chiến lược và
đại cục quan hệ hai nước. Hai bên sẽ nghiêm túc thực hiện “Thỏa thuận về
những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển VN-TQ””.
Đang khi xảy ra sự việc động trời trên biển đó, khiến các cơ quan truyền
thông quốc tế (BBC, RFA, RFI, VOA) và các trang dân báo từ quốc nội đến
hải ngoại đều nhảy vào cuộc để tường thuật và bình luận, thì tất cả các
tờ báo quốc doanh lớn (Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Công An…) vẫn im
hơi lặng tiếng.
Ngoại trừ tờ Đất Việt còn “đang xác minh hai tàu cá VN bị cướp ngoài Hoàng Sa”,
xem bọn nào đã tấn công ngư dân mình. Bộ Ngoại giao của Hà Nội cũng
không thấy mở cái băng cassette cũ mèm về “bằng chứng chủ quyền biển
đảo”, và đường dây nóng của bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn
có vẻ như bị cúp điện không hoạt động được. Ngoại trừ Hội Nghề cá VN đã
xác minh, tổng hợp thông tin về 2 vụ việc và “đã gửi văn bản kiến nghị
Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông
thôn có "tiếng nói đồng thuận" can thiệp với phía TQ nhằm bảo vệ quyền
lợi của ngư dân". Nhưng e cũng là hy vọng hão!
Hành động ngang nhiên chà đạp bản Tuyên Bố chung khi nó còn chưa ráo
mực -mà chà đạp với những dấu chỉ hết sức rõ ràng: Tàu Kiểm ngư số 306
vốn có trọng trách “thực thi pháp luật” ở khu vực Hoàng Sa; sĩ quan và
binh sĩ mặc quân phục xanh đậm tề chỉnh- rõ ràng là một sứ điệp mới, một
đòn trấn áp mới đối với đảng CSVN.
Trước đó, cuộc gặp gỡ 3 ngày tại Bắc Kinh đã là một đòn trấn áp mà Trung
Nam Hải giáng xuống trên Ba Đình kể từ Hội nghị Thành Đô năm 1990. Trấn
áp khủng khiếp với 1 Tuyên Bố Chung đề ra chiến lược hợp tác toàn diện
trong 13 lãnh vực, với 10 văn kiện xác định thỏa thuận hành động giữa
mọi bộ của hai chính phủ, với một lập trường phối hợp về các vấn đề quốc
tế tại các diễn đàn đa phương như Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế
giới, Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương, Diễn đàn hợp
tác Á-Âu, Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị cấp cao ASEAN và Trung Quốc,
Hội nghị cấp cao ASEAN và Trung-Nhật-Hàn, Hội nghị cấp cao Đông Á...
Trong lịch sử nhân loại tự cổ chí kim và trong lịch sử Việt tộc từ xưa
tới giờ chưa hề có một thỏa thuận toàn diện về ngoại giao mang tính “cá
lớn nuốt cá bé” và có hình ảnh “dây thòng lọng” giữa hai quốc gia, hai
nhà nước và hai chính đảng như thế, một thỏa thuận gây nguy hiểm tột
cùng cho tiền đồ dân tộc. Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng đã lưu xú danh
muôn thuở với Công hàm bán nước năm 1958, Đỗ Mười và Nguyễn Văn Linh đã
vạn đời ô nhục với Hiệp ước Thành Đô năm 1990. Nay Trương Tấn Sang và Bộ
Chính trị sẽ ngàn năm bia miệng với Tuyên bố chung Bắc Kinh 2013.
Theo kỹ sư Nguyễn Gia Kiểng, cha đẻ của tác phẩm nghiên cứu chính trị
nổi tiếng “Tổ quốc ăn năn”, đấy không chỉ là một tội (đối với đất nước)
mà còn là một sai lầm.
“Từ nay quan hệ kinh tế của nước ta với Hoa Kỳ và Châu Âu sẽ sút giảm
vì một lý do giản dị là họ không muốn tiếp sức cho một chính phủ vi
phạm nhân quyền đồng thời cũng là một vệ tinh của TQ. Lệ thuộc TQ như
vậy không chỉ khiến VN mất chủ quyền và có nguy cơ mất thêm đất, biển và
đảo, nó còn khiến chúng ta mất những nguồn đầu tư và những thị trường
lớn. Kinh tế VN đang khốn đốn và sẽ còn khốn đốn hơn nữa trong những
ngày sắp tới”.
Đảng CSVN nghĩ rằng có thể dựa vào TQ để tiếp tục thống trị đất nước và dân tộc. Nhưng oái oăm thay, “TQ
không vững vàng như họ tưởng, mà chỉ là một sự phá sản chưa tuyên bố.
Nó sẽ không thể duy trì lâu mức tăng trưởng kinh tế giả tạo bằng những
chi tiêu công cộng, bằng cách sản xuất rồi tồn kho vì không bán được,
bằng cách xây dựng những thành phố không người ở và những cầu đường
không cần thiết. Nếu cách quản lý kinh tế này mà không dẫn tới phá sản
thì phải vất bỏ tất cả mọi kiến thức và kinh nghiệm về kinh tế. Sự phá
sản của mô hình TQ là chắc chắn và càng che đậy lâu bao nhiêu sự sụp đổ
sẽ càng đau đớn bấy nhiêu”.
“TQ đã cố che giấu những khó khăn bằng một chính sách tín dụng liều
lĩnh và bằng cách gia tăng chi tiêu công cộng với kết quả là khối tín
dụng phình lên một cách nguy hiểm. Vào năm 2008, khi cuộc khủng hoảng
bắt đầu, khối tín dụng của TQ được ước lượng là 9.000 tỷ USD, ngày nay
con số này là 23.000 tỷ USD, nghĩa là gấp bốn lần tổng sản lượng nội địa
(GDP), trong đó một nửa là nợ khó đòi. Chưa kể khối tín dụng mà các
công ty quốc doanh lớn cho các công ty nhỏ vay được ước lượng vào khoảng
200% GDP. Đó là những dấu hiệu rất báo động. Sự phá sản của TQ không
còn che giấu được bao lâu nữa”.
“Và TQ không chỉ sắp phá sản về mặt kinh tế mà còn đang bị hủy diệt
về môi trường. Sông cạn, đất khô, nước không uống được, không khí không
thở được. Chính sự tồn tại của TQ đang bị đe dọa”.
Chưa kể thức ăn nhiễm độc cũng là nguy cơ -có lẽ nguy cơ lớn nhất- cho
dân Tàu. Rõ ràng hàng lãnh đạo CSVN đã mù quáng một cách thảm hại: đi
thần phục một kẻ đang chuẩn bị đầu hàng và dẫy chết. Sắp tới cái ngày mà
chế độ CSVN sẽ không còn quan thầy nào để dựa, đang khi chỗ dựa quan
trọng và cơ bản là lòng dân thì nó đã đánh mất từ lâu bằng cả chuỗi ngày
dài cai trị trong lừa gạt và dối trá, trong bất nhân và bạo ngược.
Thành thử đây là lúc mà toàn dân cần phải lên tiếng. Người ta đã trông
chờ các nhà trí thức sẽ mau chóng nói lời phản biện sau Tuyên bố chung
Bắc Kinh nhưng tới nay vẫn chưa thấy gì. Hai mươi ba năm trước, lúc lãnh
đạo CSVN quyết định chuyển hướng 180 độ để thần phục Trung Quốc cách ô
nhục tại Thành Đô, đã hầu như không có một phản ứng nào từ giới nhân
sĩ.
May thay, Đức Tăng thống Thích Quảng Độ, trong Nhận định ra hôm 06-07, đã mạnh mẽ tố cáo:
“Tuyên bố chung tại Bắc Kinh không hề có một dòng nào xác định việc
Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa và một phần đảo Trường Sa của
Việt Nam, hoặc hàng nghìn cây số trên đất dọc biên giới, đặc biệt tại
Thác Bản Giốc, Ải Nam Quan v.v… hay đòi hỏi Trung Quốc hoàn trả biển và
đất đã xâm chiếm. Với kẻ cướp đã vào chiếm đóng một góc nhà rồi, ông Chủ
tịch nước vẫn “nhất trí” với mưu kế của kẻ xâm lăng… Ông Chủ tịch nước
tiếp tục dựa vào cái Bánh Vẽ của 16 chữ vàng và Bốn tốt để xây dựng chủ
trương tân lệ thuộc ở thế kỷ XXI với Bắc phương. Chiếc Bánh Vẽ xuất phát
từ ý thức nô lệ của ông Hồ Chí Minh khi ông làm bài thơ tuyên truyền
“Cứu Trung quốc là tự cứu mình””.
Hy vọng rằng các lãnh đạo tinh thần khác cũng phản ứng nhanh nhạy như
ngài Quảng Độ, bởi lẽ đất nước tiêu vong nô lệ thì tôn giáo cũng khó mà
tồn tại an lành. Nhìn gương Phật giáo Mật tông ở Tây Tạng thì rõ. Ngoài
ra, người ta cũng trông đợi các cá nhân, các tổ chức tranh đấu trong lẫn
ngoài nước phải đồng loạt phản đối văn kiện đầu hàng mới và Tuyên bố
chung kiểu vòng kim cô và dây thòng lọng này. Toàn dân phải thấy được
nguy cơ “Tàu thôn tính Việt” đang được hợp thức hóa bằng giấy trắng mực
đen, sau khi nó đã được thi hành cách tiệm tiến kể từ thời Hồ Chí Minh
nhận Mao Trạch Đông làm thầy và chủ. Ngoài ra, đồng bào hải ngoại tại
Hoa Kỹ hãy sẵn sàng dạy cho Trương Tấn Sang một bài học khi ông vác mặt
sang đấy trong những ngày tới.
BBT Bán Nguyệt San Tự Do Ngôn Luận
Copy từ: Trí Nhân Media
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét