SỞ HỮU TOÀN DÂN
Tô Văn Trường
GS Nguyễn Lang viết bài “Về chế độ sở hữu đối
với đất đai” đăng trên Tầm nhìn, có ý kiến cho rằng phải xem lại khái niệm sở
hữu toàn dân vì nghĩ đó là quan điểm không thể thực hiện được (non-operational
concept).
Trong bài viết của GS Nguyễn Lang có nói
đến lịch sử nhân loại bắt đầu bằng đất đai công hữu, rồi đất đai thuộc nhà vua
như ở Việt Nam, vua tạm ban cho quan lại
có công, nhất là khi vua không có chính sách thu thuế để trả lương. Như vậy,
đất đai sơ khởi là của tập thể, vì lúc đầu của nhân loại phải hợp quần săn bắt,
hái trái nên phải hoạt động chung. Nhưng khi có thặng dư thì rõ ràng đất đai
thuộc về kẻ có quyền lực và nắm được quyền lực. Công hầu bá tước ở Trung Quốc
và ở châu Âu đều có đất đai riêng. Họ cho nông nô cấy rẽ. Ở Việt Nam thì chủ yếu đất đai thuộc làng xã, hay thuộc
vua, không có công hầu bá tước. Quan hay vương thời nhà Trần cũng chỉ được tạm
chia quyền xử dụng để lấy tô mà sống.
Theo chúng tôi hiểu, dù ở châu Âu, Trung
Quốc hay Việt Nam đó là mầm mống của tư hữu. Quyền tài sản tư thuộc một nhóm
người. Hoàn toàn không có cái quan điểm là đất đai là của toàn dân. Khi xã hội
phát triển thêm, có công nghiệp và cần tôn trọng tư hữu thì quan điểm tư hữu cá
nhân ra đời. Từ đó nó nối liền với quyền con người, quyền được bảo vệ cái mình
làm ra, tức là bảo vệ tư hữu. Như vậy xã hội hiện nay, ở mọi nơi đều có quyền
tư hữu cá nhân, tư hữu tập thể và tư hữu nhà nước (hay gọi là công hữu cũng
được). Không thể có cái gọi là tư hữu toàn dân. Và đặc biệt là không thể đi
ngược lại lịch sử để bảo rằng quyền tư hữu là phản tiến hóa.
Ở
Mỹ đối với người da đỏ thì khi giữ quyền tư hữu tập thể thì là có lợi nhất cho
họ. Hiện nay do việc Hiến pháp Mỹ cho phép họ tự lập và tự làm ra luật của họ,
họ đã đem đất cho thuê làm sòng bạc. Họ không thể phân chia vì không biết
làm gì với đất. Như vậy không có tư hữu cá nhân vì nó chẳng lợi gì, đất của họ
so với dân thì thừa mứa.
Trao đổi ý kiến
trên với GS Nguyễn Lang được ông giải thích cần phân biệt sở hữu cá nhân đối
với tư liệu tiêu dùng và đối với tư liệu sản xuất chủ yếu. Sở hữu cá
nhân về tư liệu tiêu dùng không có ai phủ nhận. Với sở hữu cá nhân đối với
những tư liệu sản xuất không phải là chủ yếu như xe máy của người làm nghề xe
ôm, vận chuyển hàng hóa, không ai phủ nhận quyền sở hữu cá nhân. Phạm trù sở
hữu với các quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt được xác nhận ngay từ đời
chế độ nô lệ, qua Luật
La mã và tới nay vẫn được vận dụng.
Hiến pháp và đường lối của Đảng đều công nhận ba chế độ sở
hữu là sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân (ngay cả đối với tư
liệu sản xuất). Vấn đề sở hữu của toàn dân là một thực thể đã hình thành
trong các nước, tuy cách gọi có khác nhau. Đơn giản là các tài sản được xây
dựng bằng vốn ngân sách là thuộc sở hữu toàn dân chứ không phải thuộc sở hữu
nhà nước. Sở dĩ như vậy vì ngân sách là do toàn dân góp để hình thành và giao
cho Nhà nước (thực ra là hệ thống cơ quan hành pháp) quản lý và sử dụng chứ
không giao cho hệ thống cơ quan này quyền sở hữu đối với tài sản đó. Mặt khác,
những di sản văn hóa lịch sử, những thắng cảnh, những khu bảo tồn sinh thái (chùa
Một cột, đền thờ vua Hùng, Vịnh Hạ Long, khu rừng quốc gia Cát Tiên vv....)
cũng thuộc sở hữu toàn dân. Trước dó, các tài sản này thuộc về sở hữu của các
cộng đồng. Khi nhà nước ngày càng phát triển thì vai trò của cộng đông ngày
càng bị thu hép để thay bằng vai trò của nhà nước. Do đó, không có vấn đề tranh
cãi là có sở hữu toàn dân không vì đó là điều tất yếu. Công hầu, bá tước phương
Tây có quyền sở hữu đất đai mà họ chiếm hữu nhưng tại VN không có tình hình đó.
Tại VN, vua giao đất phong hầu nhưng không có nghĩa là đất đó thuộc quyền sở
hữu của nhà vua mà đất đó vẫn thuộc quyền sở hữu của cộng đồng làng xã.. Đây
cũng là một vấn đề liên quan đến đặc điểm của phương thức sản xuất Á đông mà
Mác-Ăng ghen có đề cập đến nhưng lại không có điều kiện nghiên cứu làm
rõ. Bản báo cáo “Kinh nghiệm
nước ngoài về quản lý và pháp luật đất đai” do Bộ Tài nguyên & Môi
trường soạn thảo tháng 9/2012 có giới thiệu chế độ sở hữu Nhà nước về đất đai tại
một số nước như Israel, Nam phi, chế độ sở hữu hoàng gia tại Anh, Nhật, Brunei, Campuchia, Indonêxia, Malaxia. Như vậy, giữa chế độ sở hữu toàn dân về đất
đai, bên cạnh sự dị biệt cụ thể, vẫn có sự tương đồng với chế độ sở hữu Nhà
nước và chế độ sở hữu hoàng gia với tư cách là “chế độ sở hữu chung về đất đai”.
Vấn
đề rắc rối là muốn không công nhận quyền sở hữu toàn dân đối với đất đai chứ không
phải là phủ nhận quyền sở hữu toàn dân nói chung, cũng không phải là quay ngược
lại lịch sử mà thể hiện quá trình vận động ít nhiều có tính quy luật đối với
chế độ sở hữu. Sở dĩ như vậy vì đòi hỏi phải thực hiện quyền sở hữu tư nhân đối
với đất đai. Trong thực tế, quyền sở hữu tư nhân đối với đất đai vẫn được xác
nhận dưới hình thức quyền sở hữu hạn chế, một hình thức sở hữu được luật pháp
các nước công nhận, trước hết là qua bộ Luật hình sự. Do đó, cần làm rõ quyền
sở hữu hạn chế của tư nhân đối với đất đai là như thế nào ?
Đối
với đất đai, ngoài chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai, còn có chế độ sở hữu
hạn chế của tư nhân đối với đất đai qua việc giao cho tư nhân quyền sử dụng
đất. Quyền sử dụng đất nói riêng, quyền sử dụng tài sản nói chung là một lọai
hàng hóa được lưu hành trên thị trường từ dưới chế độ nô lệ (nên có thể đó là
nguyên nhân dẫn đến việc Luật La Mã phải đề cập đến chế độ sở hữu và ba quyền
liên quan). Việc mua-bán quyền sử dụng tài sản được hợp thức hóa và Luật hóa
trong bộ Luật hình sử của tất cả các nước, trong đó có VN. Khi một người cụ thể
đã mua (hoặc được giao) quyền sử dụng tài sản đó thì người đó có quyền chiếm
hữu quyền sử dụng tài sản (không phải là chiếm hữu quyền sở hữu tài sản), quyền
sử dụng và quyền định đoạt tài sản đó. Phương Tây xác định đó là quyền sở hữu
hạn chế của người chỉ có quyền sử dụng tài sản để phân biệt với quyền sở hữu
của người có quyền sở hữu đối với tài sản đó.
Ở Mỹ, không có ý niệm sở hữu toàn dân. Chỉ có đất đai thuộc
về: 1) Nhà nước trung ương (Liên bang) 2) Nhà nước địa phương (bang,
tỉnh, thành phố). Thuộc về ai thì nơi đó được sử dụng hoặc được quyền bán hẳn sở
hữu hay bán quyền sử dụng trong một thời hạn, được hưởng lợi tức cũng như chịu
mọi trách nhiệm về chi phí bảo tồn, quản lý. Địa chỉ trách nhiệm như vậy hết
sức rõ ràng. Nếu chỉ bán quyền sử dụng thì người sở hữu đất vẫn chịu trách
nhiệm cuối cùng (nếu như để người sử dụng làm ô nhiễm môi trường chẳng hạn), và
không thể đổ lỗi cho người sử dụng.
Về
tư hữu của hoàng gia thì hoàng gia được toàn quyền thu món lợi cho gia đình họ
(thí dụ như hoàng gia Anh). Rõ ràng đó là tư hữu tập thể. Ngay ở VN, có đất
thuộc vua, có đất thuộc làng và có đất thuộc cá nhân. Đó cũng là hình thức tư
hữu (của vua, của tập thể hoặc cá nhân). Của vua hay hoàng tộc thì không ai
được động đến và không thể nhân danh "toàn dân".
Quốc hội đã và đang thảo luận về sửa Luật đất
đai, cần thấu hiểu bản chất của khái niệm sở hữu toàn dân, hình thức tư hữu. Không thể có cái gọi
là tư hữu toàn dân. Và đặc biệt là không thể đi ngược lại lịch sử để bảo rằng
quyền tư hữu là phản tiến hóa. Cần phân
biệt rõ ràng thấu đáo các chính sách thu hồi đất đai dưới các danh nghĩa khác
nhau với trưng mua theo thị trường để không đẩy người dân vào các cuộc khiếu
kiện liên miên gây bất ổn xã hội như vừa qua.
13/7/13
(bản gốc của tác giả)
Copy từ: Người Lót Gạch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét