CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2013

CHẤT VẪN VÀ GIẢI TRÌNH – KỊCH BẢN SOẠN TRƯỚC ?!

 
* BÙI VĂN BỒNG
            Qua nhiều kỳ họp Quốc hội đã thấy cách thức, nội dung, diễn tiến chất vấn, trả lời chất vấn tại nghị trường đã được truyền hình, truyền thanh trực tiếp trên đài. Vì thế, bàn dân thiên hạ được theo dõi khá kỹ, trực tiếp, cả tiếng sột soạt của bản viết sẵn, tài liệu chuẩn bị trước, cả những chỗ ngắc ngứ, nói lặp, thậm chí cả tiếng ho, khụt khịt. Thế cũng coi như có sự mở rộng cái gọi là dân chủ.

Theo dõi mấy phiên chất vấn, trả lời chất vẫn, các cử tri đều thấy: Có sự dàn dựng. Tức là (hầu như) câu hỏi đưa trước, Bộ trưởng cứ chuẩn bị, lên là đọc. Thế nên, ai cũng thấy sự bày vẽ. Lẽ ra để cho tự nhiên, các đại biểu giơ tay, chủ tọa chỉ bất kỳ ai đó, xưng danh rồi mới hỏi. Đằng này, ‘chỉ định’ rõ họ tên, đại biểu địa phương nào. Thế là lộ. Có thể đăng ký trước, nhưng dàn dựng là thấy rõ. Nhưng đằng này, thấy rõ là ai chất vấn, nội dung ra sao phải đăng ký trước, duyệt trước, rồi thông báo cho thành viên Chính phủ chuẩn bị sẵn. Sự ‘dàn dựng’ đó mang tính kịch bản nhiều hơn kịch tính, nên cũng ít khi xảy ra kịch tính. Mà cũng sẽ ít kịch tính, vì mọi sự đã an bài. Có vị trong Ban tổ chức đã nói thật với nhà báo: “Truyền hình trực tiếp mà, không chuẩn bị, dàn dựng kỹ, sẽ sinh ra những tình huống bất ngờ, khó lường"… Thế nên, có truyền hình trực tiếp cũng giống như xem phim xem kịch. Đạo diễn và diễn viên đã có sự chuẩn bị, tập dượt rồi. Cho nên, nghe hỏi, đứng lên là nói luôn, nói trôi chảy. Bởi, thể hiện rõ chất vẫn và giải trình  có 'kịch bản', có 'đạo diễn'. 
             Ở Việt Nam ta, xem ra số lãnh đạo-chính khách có năng lực và kinh nghiệm hùng biện còn rất ít, may ra chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bởi vì tự lúc làm lãnh đạo cấp thấp đã quen cái lối sai khiến người khác viết thành văn bản, sẵn đọc mà có khi đọc còn sai. Nay, bắt họ nói thoát ly văn bản, tự biên tự diễn thì khó lắm, khác nào cực hình.. Đó là chưa kể đến những tác phong quan liêu, ít gần dân, ít đi cơ sở,  nắm cái gì cũng lớt phớt. Và nếu muốn nắm thực trạng thực tế nào đó thì cho 'bộ máy' đi, về báo cáo lại. Bản thân thủ trưởng không biết rằng người trong 'bộ máy' cũng báo cáo láo với chủ đích riêng. Thế nên, nếu phải thoát ly văn bản để 'nói vo' là khó rồi. Đi cơ sở chăng thì cờ quạt, trống giong cờ mở, đón rước linh đình, đến phát biểu cũng do cơ sở soạn trước, lên bục chỉ việc đọc. Đọc xong rồi cũng không nhớ nổi nội dung mình mới đọc là gì! Nếu sau này có người nói là tại hội trường nọ-kia, anh đã chỉ đạo....thì ngớ ra: "Ủa, tao có nói vậy thật à?". Những 'chính khách' như thế nếu thoát ly văn bản thì khác nào người cận thị quá nặng, lấy kính mắt đi thì chẳng biết đường nào mà lần. Hoặc giống như trò hát nhép cũng vậy!
Theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp sáng 13/6, thấy Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời rất đĩnh đạc, đọc văn bản đã chuẩn bị sẵn (từ tối hôm qua) rất trôi chảy, cứ vanh vách. Nhưng các cử tri theo dõi truyền hình vẫn nhận ra là trả lời dài dòng văn tự mà chẳng thấy nội dung nào thiết thực. Trở đi trở lại chỉ thấy trích dẫn nghị quyết, chủ trương, chính sách, kế hoạch, biện pháp…trên giấy, được coi là rất đúng bài bản, đúng quan điểm đường lối, khó ai cãi! Cái này gọi là 'bài giải trình' chứ không phải là ngẫu  phát tự nhiên tại chỗ của bậc 'chính khách'. Nghe thì đã biết đây là bản chắp bút của cơ quan chuyên trách Nghiên cứu Tổng hợp, của Văn phòng Bộ hoặc trợ lý, thư ký Bộ trưởng đã hoàn tất theo chỉ đạo. Có mấy nội dung mà Bộ NN&PT Nông thôn có liên quan trực tiếp lại pát-xê sang Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên-Môi trường… Thành thử ngay  sau đó, Bộ trưởng TN-MT Nguyễn Minh Quang phải nói là “chia lửa” với Bộ NN&PTNT.. Thật là lệch pha, khó chịu!
Về những cách thứ và nội dung giải trình của các thành viên Chính phủ, bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm các vấn đề xã hội của Quốc hội đã nói: “ Một số câu hỏi và trả lời tràng giang đại hải rõ ràng làm mất thời gian vốn đã ít ỏi. Tôi thấy một số đại biểu khi chất vấn thường nói “Tôi xin hỏi...”, đại biểu không biết hay sao mà hỏi? Thay vào đó hãy đối thoại, đi thẳng vào vấn đề, trực diện vào những vấn đề bà con đang quan tâm để việc chất vấn trở thành hoạt động đối thoại thay vì chỉ hỏi và đáp. Đại biểu phải nói lời nói của cử tri, thở hơi thở của cử tri chứ không phải nói lời nói của mình, thở hơi thở của mình.
            Bà Hoài Thu đã lấy ví dụ: Phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát. Thực tế thời gian qua có thông tin nông dân trồng lúa lãi 30%, đây là vấn đề không hề có trên thực tế. Nông dân sống ra sao với giá lúa đang rớt thê thảm, ra đồng mà xung quanh đều thấy thuốc trừ sâu giả, phân bón giả, rồi bị gừng, tỏi, trái cây Trung Quốc tấn công tứ phía...? Tại sao những vấn đề sát sườn như vậy lại không được đại biểu đối thoại thẳng với Bộ trưởng Phát? Đại biểu phải chất vấn những bức xúc của cử tri chứ không phải bức xúc của riêng mình.
Với người được chất vấn cũng vậy, trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội chính là trả lời vấn đề của hàng triệu cử tri, do đó không thể trả lời chung chung, cho qua “kỳ thi”. Khi theo dõi Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời chất vấn, tôi hiểu cá nhân bộ trưởng bản tính hiền lành, song việc trả lời chất vấn mà “hiền lành” như vậy thì quả là chưa “đã”. Tôi không có được báo cáo mà Bộ trưởng Phát đã gửi các đại biểu chất vấn trước đó ra sao nhưng theo tôi, điều quan trọng là chất vấn và trả lời trực tiếp tại hội trường này, vì cử tri không hề biết bộ trưởng trả lời qua báo cáo ra sao.
Cần nhớ rằng không phải gần 500 đại biểu đang họp trong hội trường mà là hàng triệu cử tri đang họp. Do đó việc chất vấn và trả lời chất vấn sao cho gọn, tiết kiệm thời gian, sát sườn với thực tế và bức xúc của cử tri là điều hết sức quan trọng.
Đại biểu thì vừa hỏi, vùa gợi ý cho Bộ trưởng trả lời. Bộ trường thì chuẩn bị sẵn văn bản, cứ đọc như …'trả bài’. Và cũng như ta đây phát biểu trôi chảy và nắm chắc vẫn đề. Nhưng cử tri theo dõi đều thấy: “Ông, (bà) ta chẳng nắm được gì thực tế. Trả lời vậy đứa học sinh phổ thông, ông cán bộ ấp cũng nói được”!
BVB

Copy từ: Bùi Văn Bồng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét