CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2013

Bắc Kinh và Manila khẩu chiến về Bãi Cỏ Mây thuộc đảo Trường Sa

Trong lúc hai nước khẩu chiến về Bãi Cỏ Mây, dân Philippines biểu tình trước toà lãnh sự Trung Quốc ở Manila June 20, 2013 (REUTERS)
Trong lúc hai nước khẩu chiến về Bãi Cỏ Mây, dân Philippines biểu tình trước toà lãnh sự Trung Quốc ở Manila June 20, 2013 (REUTERS)

Đức Bình
Bắc Kinh vào ngày hôm qua, 21/06/2013, lên tiếng tố cáo Philippines đã có hành động được gọi là « chiếm đóng bất hợp pháp » Bãi Cỏ Mây và tuyên bố sẽ bảo vệ chủ quyền của mình, sau khi chính quyền Manila điều thêm quân và tiếp tế hậu cần đến bãi đá này.

Bãi Cỏ Mây – tên quốc tế là The Seconde Thomas Reef và Trung Quốc gọi là Nhân Ái Tiều, là một rạn san hô vòng, thuộc quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam và Philippines đều khẳng định có chủ quyền đối với rạn san hô có diện tích khoảng 60 km vuông này. Cho đến nay, Manila dùng xác một con tàu mắc cạn ở đây từ năm 1999, làm nơi đóng quân, canh gác và bảo vệ Bãi Cỏ Mây.
Theo Reuters, trong cuộc họp báo ngày hôm qua, tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng Bắc Kinh kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và sẽ không bao giờ chấp nhận việc Philippines chiếm đóng bất hợp pháp Nhân Ái Tiều, (Bãi Cỏ Mây).
Trung Quốc đã có phản ứng như trên sau khi chỉ huy quân đội Philippines, tướng Emmanuel Bautista, vào hôm thứ Tư ngày 19/06, cho báo giới biết sẽ có một nhóm quân nhân tới thay thế cho các binh sĩ đang đóng trên con tàu mắc cạn, đồng thời tiếp tế lương thực, nước uốc và nhiên liệu.
Philippines đã tố cáo Trung Quốc xâm lấn lãnh hải thuộc chủ quyền của mình sau khi ba tầu của Trung Quốc trong đó có một khu trục hạm, tiến sâu vào vùng biển này, chỉ cách con tàu mắc cạn có 5 hải lý.
Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Reef) có vị trí chiến lược trên tuyến đường đi tới bãi Cỏ Rong (Reed Bank), nơi được coi có trữ lượng lớn về dầu khí.
Theo nhận định của Reuters, đây có thể là điểm nóng tại Biển Đông buộc Hoa Kỳ phải can thiệp để bảo vệ các đồng minh của mình tại Đông Nam Á.
Năm 2010, Malaysia đã cấp giấy phép cho một tập đoàn Anh-Philippines tiến hành thăm dò dầu khí ở Bãi Cỏ Rong, nhưng dự án này đã phải ngừng hoạt động do có sự hiện diện của các tàu Trung Quốc.
Manila khẳng định Bãi Cỏ Rong nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines, vì bãi này chi cách đảo Palawan khoảng 80 hải lý về phía tây nam.
Trong khi đó, Bắc Kinh nói rằng Bãi Cỏ Rong cũng như Bãi Cỏ Mây nằm trong số 250 hòn đảo nhỏ, bãi đá, san hô trong quần đảo Trường Sa và thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Xin nhắc lại, quần đảo Trường Sa là nơi có tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.


Copy từ:RFI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét