Trong khi Vinacomin khẳng định các dự án
bauxite sẽ được hoàn vốn về lâu dài thì các chuyên gia bảo: Mơ
hồ!
Tập đoàn Than -
Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã chính thức công bố tình hình thực
hiện và hiệu quả kinh tế dự án alumin Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đăk
Nông). Mức chênh lệch tổng mức đầu tư mỗi dự án so với thời điểm phê
duyệt đã lên đến hơn 3.500 tỉ đồng. Tuy nhiên, đơn vị này vẫn khẳng định
về lâu dài dự án sẽ hoàn được vốn.
Đó là những thông tin được nêu ra tại buổi hội thảo
“Bauxite Tây Nguyên - Thực trạng, định hướng và kiến nghị” do Liên hiệp
Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức ngày 9-5.
Mức đầu tư vượt hơn 7.000 tỉ đồng
Về hiệu quả kinh tế, đại diện Vinacomin cho biết theo
nghiên cứu, trung bình từ năm 2008 đến 2020, nhu cầu tiêu thụ nhôm trên
thế giới sẽ tăng 2,82 triệu tấn/năm. Với thực tế giá mỗi tấn năm 2013
khoảng 316 USD, đến năm 2020 giá này sẽ khoảng 343 USD, sau khi trừ
ảnh hưởng do lạm phát thì cũng tăng khoảng 2,71%/năm.
Nhà máy sản xuất alumin Tân Rai. Ảnh: TTXVN
Cụ thể, đối với Nhà máy Tân Rai, tổng mức đầu tư
trước thuế đến ngày 31-3-2013 được điều chỉnh vượt 3.645,4 tỉ đồng, tăng
33% so với kế hoạch. Tính đến tháng 3, giá thành sản xuất alumin
bình quân năm là 6,5 triệu đồng/tấn, mức này cao hơn 1,7 triệu đồng so
với thời điểm năm 2009. Tính ra lợi nhuận sau thuế thì hụt hơn 314.000
đồng mỗi tấn so với năm 2009. Chủ đầu tư dự tính: Lỗ kế hoạch khoảng
năm năm so với ba năm khi phê duyệt. Việc thu hồi vốn phải là 11,8
năm so với chín năm kế hoạch trước đó.
Đối với Dự án Nhân Cơ, Vinacomin cho biết dự kiến
hoàn thành đầu tư và có sản phẩm vào giữa năm 2014, chậm 1,5 năm so với
kế hoạch. Tổng vốn đầu tư trước thuế sau khi điều chỉnh (tháng 3-2013)
chênh 3.523 tỉ đồng, tăng 31% so với kế hoạch ban đầu. Chi phí vận
chuyển tăng thêm hơn 250.000 đồng/tấn. Thu hồi vốn trong khoảng 12 năm,
lâu hơn hai năm so với phê duyệt.
Theo Vinacomin, hai dự án trên chậm tiến độ là do dự
án có quy mô vốn quá lớn, kỹ thuật và công nghệ phức tạp; tiến độ giải
phóng mặt bằng chậm. Việc thi công hồ bùn đỏ kéo dài hơn bảy tháng do
ảnh hưởng do sự cố ở Hungary. Chất lượng giao thông, hạ tầng xuống cấp.
Bên cạnh đó năng lực quản lý điều hành của chủ đầu tư còn hạn chế; nhà
thầu Trung Quốc còn lúng túng, không lường hết những khó khăn phát sinh…
Bị đẩy vô thế kẹt
Phản hồi lại bản báo cáo của Vinacomin, ông Nguyễn
Văn Ban, nguyên Trưởng ban Nhôm - Titan, Tổng Công ty Khoáng sản Việt
Nam, cho rằng: “Tổng mức đầu tư đã tăng lên quá nhiều, thực tế Dự án
Tân Rai đang thua lỗ thực sự chứ không phải nguy cơ thua lỗ nữa. Bốn năm
triển khai cho thấy các dự án này không mang lại hiệu quả kinh tế như
kế hoạch”.
Ông Ban phân tích trước đây khi tiến hành dự án, đàm
phán vốn vay của Ngân hàng châu Âu thì lãi suất thấp - chỉ 5% nhưng
khi cộng các khoản chi phí, phí bảo lãnh thì tính ra cũng đã lên đến
8%. “Hiện Vinacomin đang bán giá thấp hơn giá thành thì rõ ràng là thua
lỗ. Bộ trưởng Công Thương nói là lỗ ấy nằm trong kế hoạch là không
chính xác. Cứ như tình hình hiện nay thì tính cả đời dự án cũng
không có lãi. Việc xác định thua lỗ theo kế hoạch thì phải xác định
trong thời gian nhất định. Giá thành lớn hơn giá bán như hiện nay mà
cứ mong có lãi là điều không tưởng” - ông Ban phân tích.
Cũng theo ông Ban, mỗi năm Dự án Tân Rai phải chi
khoảng 24,6 triệu USD, Nhân Cơ 38 triệu USD tiền vận tải. Việc vận
chuyển hàng theo quãng đường trên dưới 200 km thì làm sao mà lãi
được? Kể cả việc xây dựng tuyến đường sắt - nếu có thì cũng phải
đến sau 2030 mới có tuyến này. Như vậy, hai dự án này sẽ “mệt mỏi”
ít nhất 15 năm nữa. “Chúng ta quá lạc quan, khi lập dự án đã không đưa
ra những tình huống phải đương đầu. Việc không để tâm đến những rủi ro
tiềm ẩn đã đẩy dự án vào thế kẹt” - ông Ban lo lắng.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng dự án không có
sự chuyển giao công nghệ mà chỉ có giấy phép sử dụng công nghệ của nhà
thầu Chalieco (Trung Quốc). Như vậy sẽ không có chuyện bảo hành công
nghệ!
Ông Nguyễn Thành Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Than Sông
Hồng, tính toán: Trong trường hợp thuận lợi nhất thì Dự án Tân Rai
cũng không có hiệu quả kinh tế, không có khả năng thu hồi vốn và liên
tục lỗ đến năm 2029. Mặt khác, ông Sơn nói cả hai dự án được triển
khai trong gần năm năm nhưng vấn đề vận tải tiêu thụ alumin vẫn chưa
được giải quyết. Việc lựa chọn cảng Kê Gà đã mắc sai lầm. Do đó ông Sơn
đề nghị với Dự án Tân Rai cần tiếp tục làm rõ các thông số cam kết của
nhà thầu, công khai minh bạch về chi phí đầu tư, giá thành… “Riêng Dự án
Nhân Cơ, trước mắt nên dừng vì chắc chắn Nhân Cơ còn kém hiệu quả hơn
Tân Rai”.
Các chuyên gia đã đề nghị Bộ Công Thương, Vinacomin
và VUSTA hợp tác thành lập nhóm vào khảo sát, tính toán với nhau, thống
nhất về các vấn đề liên quan dự án, sau đó báo cáo Trung ương.
TRÀ PHƯƠNG
Copy từ: Pháp Luật
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét