Hòa Ái, phóng viên RFA
2013-04-11
2013-04-11
Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “tiếng súng hoa cải Đoàn Văn Vươn” khép lại với các bản án tù treo và tù giam dành cho 6 bị can trong gia đình họ Đoàn. Trong khi đó còn hàng ngàn dân oan, giống hoàn cảnh của ông Vươn, làm thủ tục khiếu kiện theo đúng quy định của luật pháp hàng năm trường nhưng vẫn chưa nhận được “bản án” nào.
Hòa Ái trình bày thảm cảnh của hai trong số những trường hợp đang phải vất vưởng đi khiếu kiện suốt mấy chục năm qua.
Nỗi khổ thầm lặng
Ngày nay, mỗi khi nghe đến hai chữ “dân oan”, người ta thường liên tưởng đến hoàn cảnh của những người bị mất đất đai, ruộng vườn, nhà cửa một cách bất công ở khắp các tỉnh thành trong đất nước Việt Nam:“Tôi là một người ở tại Việt Nam. Nếu nói đúng ra thì tôi cũng là một ‘dân oan’. Nỗi khổ kéo dài gần 20 năm nay rồi. Rất khổ nhưng tôi cứ thầm lặng như thế để chờ một ngày công lý đến. Cố mưu sinh để sống, để tồn tại đến một ngày đòi được nhà.”
Lời chia sẻ vừa rồi của bà Trần Thị Hằng có thể được xem đã nói thay cho hoàn cảnh của hàng ngàn “dân oan” hiện nay. Bị trở thành “dân oan” trong một trò phù phép của các quan chức ngành ngân hàng, bà Trần Thị Hằng nhớ lại 17 năm về trước, vợ chồng bà thế chấp căn nhà để được vay số tiền bằng một phần ba giá trị căn nhà ở Ngân hàng Công thương Ngô Quyền - TP. Hải Phòng trong vòng 1 năm. Sau 6 tháng trả tiền lời, bà Hằng làm đơn xin giảm lãi suất từ 2,6% xuống còn 1,75% theo mức hạ lãi suất mới của Ngân hàng Nhà nước quy định. Thế nhưng, các quan chức ngân hàng nơi bà Hằng vay tiền không đồng ý, bắt buộc phải trả đúng mức lãi suất 2,6% trong 6 tháng còn lại hoặc là phải trả lại tiền vay gốc.
Chồng tôi uất ức quá, dâng huyết áp cao trong vòng 1 tuần rồi ra đi mất, chồng tôi chết như vậy và tôi không còn một nào để làm chỗ dựa nữa.“Tôi vừa đi vắng mấy ngày thì họ lập tức đưa đầu gấu và xã hội đen đến để đàn áp chồng với con tôi ở nhà. Có mấy chục nhân viên ngân hàng và có cả đầu gấu và xã hội đen. Họ đến chèn ép và bắt chồng tôi ký vào biên bản phát mãi không thì dọa đánh, dọa giết”.
Trần Thị Hằng
Sau khi gõ cửa các cơ quan liên quan ở Hà Nội, trong lúc hai vợ chồng đi Hà Nội để nhận công văn trả lại nhà thì ở Hải Phòng, ngôi nhà của họ bị niêm phong cùng toàn bộ tài sản và đứa con nhỏ bị đuổi ra ngoài khi bố mẹ vắng nhà.
Đã gần 20 năm qua gia đình bà Trần Thị Hằng cõng đơn khiếu kiện ngược xuôi giữa Hà Nội và Hải Phòng. Chồng bà Hằng lâm bệnh huyết áp cao và bị đột quỵ. Các con bà có người bị trầm cảm do cuộc sống lang thang, không nhà cửa và vô vọng khi theo đuổi “con kiến mà kiện củ khoai”. Sau bao năm dài đăng đẳng, bà Hằng vẫn không biết nguyên do vì sao không có một cơ quan nào từ phường cho đến quận lên tiếng giải quyết cho oan khiêng của gia đình mình.
Lưu đày trên quê hương mình
Vào tháng 2/2012, một nhóm phóng viên ở Việt Nam vào cuộc và nhờ vào mối thâm tình của một phóng viên với chủ tịch quận, vợ chồng bà Hằng xem được một bộ hồ sơ giả hợp pháp của căn nhà với tên chủ nhân mới do các quan chức địa phương từ cấp phường đến cấp sở Tài nguyên Môi trường ký tên. Bà Hằng cho biết khi chồng bà nhìn thấy bồ hồ sơ nhà giả mạo này, “anh ấy uất ức quá, dâng huyết áp cao trong vòng 1 tuần rồi ra đi mất. Chồng tôi chết rồi ạ. Chồng tôi chết như vậy và tôi không còn một nào để làm chỗ dựa nữa. Cho đến bây giờ tôi rất hoảng loạn và không biết làm gì nữa. Mẹ con tôi bây giờ rất là khổ”.Còn có bao nhiêu hoàn cảnh của dân oan ở khắp nơi giống như thế khi nhẫn nại đi khiếu kiện từ địa phương cho đến trung ương? “Dân oan” còn phải gánh chịu những cùng cực nào khác nữa trong những năm trường đi khiếu kiện?
Khóc trong nước mắt, thương binh Nguyễn Thị Huần nói là cuộc đời mình kém may mắn. Từ 17 tuổi đã phục vụ cho đất nước, năm 1975 đi bộ đội, năm 1978 thành thương binh, bà Huần đi khiếu nại vì cho rằng “chế độ thương binh 176” áp dụng cho mình là không đúng. Trong lúc đi khiếu nại, ngôi nhà nhỏ của 3 mẹ con bà Huần bị chính quyền địa phương đập phá. Đi khiếu kiện ở thủ đô Hà Nội cùng các dân oan khắp nơi tụ về, bà Nguyễn Thị Huần nhiều lần bị bắt bớ, đánh đập và bị biệt giam 7 tháng ở trại giam Hỏa Lò và Suối Hai với tội danh “gây rối trật tự công cộng”, “liên tiếp tụ tập đông người để theo đuổi khiếu kiện”. Gần 22 năm khiếu kiện, hai đứa con thơ dại phải sống cảnh đầu đường xó chợ, phải đánh giày, lượm giấy vụn lây lất qua ngày. Giờ đây, hai người con đến tuổi trưởng thành không thể có một công việc ổn định vì không có một giấy tờ nào để chứng minh nhân thân.
“Gia đình tôi bây giờ vô gia cư hết rồi. Bây giờ xóa tên trên hộ khẩu, xóa tên trên bảng dân số ở VN rồi. Không biết bấu víu vào đâu. Không có 1 chính quyền, tổ chức hay cơ quan nào có trách nhiệm quản lý mà bảo vệ quyền lợi của 3 mẹ con tôi. Suốt 21 năm nay rồi, mẹ con tôi chưa được yên ổn tí nào cả”.
Tiếng than oai oán của bà Nguyễn Thị Huần van xin chính quyền cho 3 mẹ con bà đi tị nạn khi không thể được dung thân một cách hợp pháp tại Việt Nam; tiếng nấc nghẹn ngào của bà Trần Thị Hằng kể lại không có một nơi để tổ chức ma chay cho chồng, chiếc xe tang chở thẳng quan tài từ nhà xác ra nghĩa địa… phải chăng những “dân oan” khiếu kiện đang nhận lãnh “bản án” lưu đày trên chính quê hương mình?
Copy từ: RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét