CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

Nhân quyền VN 2012 (1): Quyền chính trị bị triệt tiêu

VRNs (15.04.2013) – Sài Gòn – Mạng lưới nhân quyền VN vừa công bố phúc trình về nhân quyền VN năm 2012, việc làm này nhằm mục đích: “không những nhằm báo động dư luận thế giới về tình hình nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam hiện nay, mà còn yêu cầu nhà cầm quyền CSVN chấm dứt những vi phạm đã tồn tại trong nhiều năm qua đồng thời phải bồi thường xứng đáng những thiệt hại gây ra cho nhân dân và các tập thể quần chúng. MLNQVN cũng ước mong các chính phủ yêu chuộng tự do – dân chủ và các tổ chức nhân quyền quốc tế có thái độ thích đáng đối với Việt Nam vì những thành tích tệ hại về nhân quyền của họ; đặc biệt cần ngăn cản việc Việt Nam làm hoen ố uy tín của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc khi họ tìm cách trở thành một thành viên của Hội đồng trong nhiệm khóa 2014-2016″.
VRNs xin trân trọng giới thiệu từng phần quan trọng của Bản phúc trình này.
————
Hiến pháp 1992 được sửa đổi, bổ sung năm 2001 qui định rằng người dân có quyền tham gia quản lý nhà nước qua bầu cử và ứng cử (Điều 53 và 54), tự do ngôn luận, hội họp, lập hội và biểu tình (điều 69). Tuy nhiên, cũng chính điều 4 của bản hiến pháp nầy lại khẳng  định vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) trong mọi sinh hoạt đất nước.[1] Chính ở sự mâu thuẩn nầy và ý đồ duy trì độc quyền chính trị bằng mọi giá mà tất cả những quy định về quyền chính trị được công nhận nơi điều 20, 21 trong Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và điều 21, 22 trong Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự Và Chính Trị mà VN cam kết tôn trọng đã bị triệt tiêu. Người dân bị tước đoạt tất cả quyền chọn lựa thể chế chính trị và người đại diện một cách ôn hòa. Người dân không có quyền có quan điểm chính kiến khác với đường lối của ĐCSVN. Tất cả các nhóm đối lập bị đàn áp và đặt ra ngoài vòng pháp luật.

1.  Điều Hành Việc Nước Là Đặc Quyền Của ĐCSVN
Cũng như hầu hết các quốc gia trên thế giới, VN thường xuyên tổ chức những cuộc bầu cử các cấp chính quyền. Quốc hội được Hiến pháp qui định là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đại diện cho toàn dân, có quyền làm luật và quyền bổ nhiệm chính phủ. Tuy nhiên việc tổ chức bầu cử và sinh hoạt nghị trường hiện nay chứng tỏ Quốc hội chỉ là dụng cụ của ĐCSVN. Cuộc bầu cữ Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 vào tháng 5 năm 2011 đã cho thấy rõ điều đó. Không có một tổ chức nào được tham gia ứng cử ngoại trừ ĐCSVN và một số rất ít người ngoài đảng do họ chọn lựa. Tất cả mọi ứng viên đều bị gạn lọc bởi Mặt Trận tổ Quốc qua “Hội Nghị Hiệp Thương” và “Hội Nghị Cử tri” ở cấp trung ương và cấp địa phương. Những người không đồng chính kiến với ĐCSVN không được ra ứng cử. Luật sư Lê Quốc Quân là một người bất đồng chính kiến duy nhất nộp đơn ứng cử Quốc Hội và đã bị Hội Nghị Cử Tri cấp cơ sở Phường Yên Hòa, Hà Nội loại tên không cho ứng cử. Ngay chức vụ Chủ tịch Quốc Hội cũng không phải do Quốc Hội bầu, mà do Trung Ương ĐCSVN chọn.
Trong quá trình công tác lập pháp tại VN, mọi dự án luật đều xuất phát từ văn phòng Trung ương ĐCSVN. Trong năm 2012, để đánh bóng vai trò của Quốc hội, Đảng ủy Văn phòng Quốc hội đã cho phép tổ chức những buổi chất vấn một số bộ trưởng và ngay cả thủ tướng. Sự kiện này làm cho dư luận trong nước và nhất là các nước dân chủ bên ngoài VN có ảo giác rằng Quốc hội VN có thực quyền. Sự thật đó chỉ là kịch bản đã được thỏa thuận trước giữa các nhân vật trong Đảng trong việc phân công điều hành Chính Phủ và Quốc Hội. Đảng vẫn thống lãnh Quốc hội với  91.6% đại biểu là đảng viên và phần còn lại là những người được Đảng dùng trong vai trò trang trí cho bộ máy cai trị.
Ngày 28-12-2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị số 22-CT/TW về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, và cho rằng đây là một đợt sinh hoạt chính trị quan trọng nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Thế nhưng, cũng chính ngay trong Chỉ thị đó ông Tổng Bí thư lại ra lệnh cho các lực lương quân đội và công an phải “kịp thời đấu tranh, ngăn chặn những hành vi lợi dụng dân chủ việc lấy ý kiến nhân dân để tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước ta.” Việc sửa đổi hiến pháp như vậy thực ra cũng chỉ là một trò lừa bịp dư luận thế giới đồng thời là một biện pháp xoa dịu những bất mãn của người dân về những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày do bởi sự thối nát và bất lực của bộ máy nhà nước dưới sự thống trị của ĐCSVN.
Ở cấp địa phương, sự can thiệp của đảng ủy địa phương vào chính quyền lại càng thô bạo hơn. Từ năm 2008 Bộ Chính Trị ban hành Nghị quyết số 22/NQ-TW đề ra “mô hình bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp xã, phường” mà Tạp chí Xây dựng Đảng cho là, “vừa tăng cường sự lãnh đạo của Đảng (bí thư đảng uỷ có thực quyền hơn), vừa triển khai thực hiện nghị quyết của đảng uỷ phường hiệu quả hơn, làm cho quyền lực ở cơ sở được tập trung, thống nhất.”[2]
Nói tóm lại, từ trung ương đến địa phương, chỉ có khoảng 3 triệu đảng viên ĐCSVN trong số hơn 91 triệu công dân VN là những người được quyền sinh hoạt chính trị. Số còn lại đã bị tước đoạt mất quyền và cơ hội tham gia lãnh đạo và quản lý đất nước. Chính vì thế tổ chức Freedom House, trong Bản Phúc Trình về Quyền Chính trị và Tự do dân sự trên thế giới 2013 đã xếp VN ở mức 7/7 về quyền chính trị trong thang điểm từ 1 tới 7, và mức 5/7 về các quyền tự do dân sự.[3]

2. Quyền Tự Do Phát Biểu, Tự Do Lập Hội, Và Tự Do Biểu Tình
Điều 69 Hiến pháp VN ấn định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”. Vì tính cách quan yếu của quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, và quyền được thông tin trong hoàn cảnh cụ thể của VN hôm nay, bản báo cáo nầy đã có một mục riêng cho các vấn đề nầy [Xem phần Quyền Tự do Ngôn luận].
Về quyền lập hội, hiện nay bất kỳ một tổ chức quần chúng nào không nằm dưới dù che của Mặt Trận Tổ Quốc, một tổ chức ngoại vi của ĐCSVN có thể tồn tại được, đặc biệt là các tổ chức tôn giáo và tổ chức nghiệp đoàn. Trong năm 2012 chính quyền VN đã đưa ra những quy định ngặt nghèo hơn cho hai loại tổ chức nầy qua việc ban hành Bộ Luật Lao động 2012 và Luật Công đoàn 2012 để loại bỏ quyền thành lập nghiệp đoàn độc lập [Xin xem thêm ở phần Quyền Lao động của báo cáo nầy]; và Nghị định số NĐ 92/2012/NĐ-CP, hạn chế việc đăng ký các tổ chức tôn giáo và gia tăng việc kiểm soát sinh hoạt của các tổ chức nầy. Chẳng hạn chỉ có những tổ chức tôn giáo đã sinh hoạt tôn giáo ổn định 20 năm trở lên và “không vi phạm các quy định tại Khoản 2 Điều 8 và Điều 15 Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo” mới được đăng ký (Điều 6 của NĐ 92/2012.) [Xin xem thêm ở chương Tự do Tôn giáo của báo cáo nầy]
Kể từ Chính sách Đổi mới từ giữa thập niên 80, trước nhu cầu ngoại viện, VN đã nới tay với sự hình thành những tổ chức xã hội dân sự trong một số lãnh vực nhất định  như khoa hoc, y tế , môi trường, và từ thiện. Những tổ chức có nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế hoặc các nước chi viện thì tương đối có được sự độc lập về điều hành. Số nhận tài trợ từ chính phủ thì hoàn toàn  chịu sự kiểm soát của chính phủ về chính sách cũng như điều hành. Hiện nay không có một tổ chức xã hội dân sự nào, hiểu theo nghĩa được hoàn toàn độc lập với nhà nước như các quốc gia khác trên thế giới, được công khai hoạt động hợp pháp. Đơn cử trường hợp tổ chức Hướng Đạo Việt Nam, một tổ chức giáo dục thanh thiếu nhi có mặt trên toàn lãnh thổ VN từ thập niên 40 thế kỷ trước, đã bị cấm tuyệt tại Miền Bắc sau khi ĐCSVN nắm quyền, và bị đặt ra ngoài vòng pháp luật tại Miền Nam sau năm 1975. Cho đến năm 2012, tại Miền Nam đã có một số cố gắng phục hồi sinh hoạt tổ chức Hướng Đạo một cách thực tế; tuy nhiên, vẫn không được phép hoạt động như là một tổ chức hợp pháp.[4]
Mặc dù việc phát triển các tổ chức phi chính phủ có khuynh hướng gia tăng trong thập niên qua, những thay đổi luật lệ gần đây về điều kiện đăng ký, điều hành, và thực hiện các chương trình càng ngày càng trở nên khó khăn.[5] Năm 2012 được đánh dấu với việc phản công của chính quyền CSVN đối với khuynh hướng hình thành những tổ chức xã hội dân sự nói chung. ĐCSVN, qua cơ quan ngôn luận chính thức của họ là báo Nhân Dân, đã cho rằng việc hình thành các tổ chức xã hội dân sự là âm mưu của các thế lực thù địch và phản động nước ngoài nhằm “kích động sự thoát ly vai trò lãnh đạo của Ðảng và Nhà nước, cổ vũ quyền tự do lập hội theo tiêu chí phương Tây.” Ðể  chống lại việc thành lập và hoạt động các tổ chức xã hội dân sự độc lập với nhà nước, bài báo tiếp, “nhà nước cần tăng cường công tác quản lý các tổ chức xã hội, không để các thế lực thù địch lợi dụng.”[6]
Đặc biệt đối với các tổ chức dân sự có mục tiêu chính trị và nhân quyền, ngày 17-12-2012 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ thị cho Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 68 phải cương quyết “không để nhen nhóm hình thành các tổ chức chính trị đối lập chống phá và đi ngược lợi ích của đất nước, của nhân dân.”[7] Vì thế một số tập hợp vận động dân chủ và nhân quyền được nhen nhúm trước đây như Khối 8406, Đảng Nhân Dân Hành Động, Đảng Dân Chủ, Đảng Thăng Tiến Việt Nam, Đảng Vì Dân, Đảng Việt Tân, Cao Trào Nhân Bản, Ủy Ban Nhân Quyền, Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông, Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do, Hội Ái hữu Tù Nhân Chính Trị và Tôn giáo Việt Nam, Tuổi Trẻ Yêu Nước… vẫn tiếp tục bị ngăn cấm, truy lùng, và trừng phạt. Trong năm 2012 nhiều vụ án hình sự hóa nhằm vào các tổ chức và các cá nhân tham gia các tổ chức trên. Trong số đó có thể kể:
  • § Ngày 04-02-2013, Tòa sơ thẩm tỉnh Phú Yên xử 22 người thuộc  Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn, một tổ chức tôn giáo được thành lập từ năm 1969, về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Những người nầy bị bắt vào tháng hai 2012 với cáo buộc ban đầu là “lợi dụng quyền tự do dân chủ để gây hại đến lợi ích nhà nước.”
  • § Ngày 9-1-2013, Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An đã tuyên án 14 thanh niên vì tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 Bộ Luật Hình Sự. Những người nầy bị bắt vì tham gia sinh hoạt trong mạng Truyền thông Chúa Cứu Thế, một kết nối trao đổi và phổ biến tin tức cổ xúy cho nhân quyền và tự do, đặc biệt là tự do tôn giáo.  Một số trong các người bị truy tố bị gán cho là thành viên của Đảng Việt Tân. Những người nầy bị bắt trong năm 2012 vào nhiều thời điểm khác nhau.
  • § Ngày 28-12-2012 Phiên xử phúc thẩm ba bloggers thuộc Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do gồm Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, và AnhbaSG Phan Thanh Hải. Câu lạc bộ Nhà Báo Tự Do được hình thành từ năm 2007 và được coi như là những nhà tiên phong sử dụng blogs để tranh đấu cho quyền tự do ngôn luận.
  • § Ngày 30-10-2012 Toà Án Nhân Dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử hai thành viên của tổ chức Tuổi Trẻ Yêu Nước là nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình và nhạc sĩ Việt Khang tức Võ Minh Trí với tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCNVN”. Hai thành viên khác của tổ chức Tuổi Trẻ Yêu Nước là Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha bị bắt và truy tố trong tháng 10 năm 2012 về tội “hoạt động tuyên truyền chống phá Nhà nước CHXHCNVN.”[8]
  • § Riêng Khối 8406 hiện có 14 thành viên còn đang bị cầm tù, trong đó có 4 người bị kết án trong năm 2012 là Mục sư Nguyễn Công Chính, Bà Hồ Thị Bích Khương, Bà Lê Thị Kim Thu, và nhà báo tự do Lê Thanh Tùng. Trong thập niên qua đã có 39 thành viên của Khối 8406 bị xử án tù và đã mãn hạn tù, một số lớn còn đang bị quản chế tại gia.
  • § Việc đàn áp những người bất đồng chính kiến, đặc biệt là những người có liên hệ đến các tổ chức chính trị mà CSVN gọi là “phản động” vẫn tiến hành suốt năm 2012. Những trường hợp được dư luận chú ý gồm vụ án Nguyễn Quốc Quân thuộc Đảng Việt Tân bị bắt ngày 17/04/2012,[9] vụ án Võ Viết Dziễn thuộc Tổ Chức Phục Hưng bị bắt ngày 9-4-2012,[10] vụ khám xét nhà và bắt giữ Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, người sáng lập Cao Trào Nhân Bản, ngày 7-3-2013.[11]
Trong lãnh vực quyền biểu tình, năm 2012 được đánh dấu bởi những sinh hoạt chính trị của quần chúng trên đường phố vào tháng 7, tháng 8, và tháng 12 tại Sài Gòn và Hà Nội để chống đối việc Trung Quốc hung hăng xâm lấn lãnh hải VN, và các cuộc tập họp của dân oan đòi công lý ở nhiều tỉnh thành trên toàn quốc [Xin xem phần Dân Oan của báo cáo nầy].  Cũng như năm trước, thái độ của chính quyền đối với các cuộc biểu tình chống Trung quốc xâm lược thay đổi tùy nhu cầu chính trị của đảng cầm quyền. Có những trường hợp lực lượng công an chỉ theo dõi canh chừng, nhưng có những trường hợp, đặc biệt là tại Sài Gòn, công an thẳng tay ngăn chận và trấn áp. Nhiều người cầm đầu bị công an ngăn chận ngay tại nhà trước khi đến tham gia, nhiều người khác bị đàn áp và bắt đi. Chẳng hạn trong cuộc biểu tình ngài 1-7-2012 tại Sài Gòn, ngoài blogger Huỳnh Thục Vy và hai em là Huỳnh Khánh Vy và Huỳnh Trọng Hiếu còn có 6 người khác bị bắt là Blogger Nguyễn Hoàng Vi, Hành Nhân, Gió Lang Thang, Dân Nước Nam, Lê Thuận và bạn Võ Thị Ngọc Châu. Sau đó ít hôm blogger Huỳnh Thục Vy bị công an tỉnh Quảng Nam bắt đưa về thành phố Tam Kỳ điều tra.
Đối với các cuộc tập họp của dân oan đòi lại đất đai bị truất hữu mà không được bồi thường thỏa đáng, chính quyền đã đối phó một cách quyết liệt hơn. Nhiều nông dân bị đánh đập trọng thương,[12] có trường hợp tử vong[13] tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng và vườn hoa Lý Tự Trọng, Hà Nội, nơi mà dân oan từ nhiều nơi trên cả nước kéo về đòi công lý suốt năm. Ở các địa phương, theo báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ, số lượng tuy có giảm, nhưng số đoàn đông người càng ngày càng nhiều.[14] Các biện pháp trấn áp cũng dã man hơn. Những vụ đàn áp lớn được dư luận chú ý nhiều như vụ Văn Giang ở tỉnh Hưng Yên ngày 24-4-2012,[15] vụ Đông Triều ở tỉnh Quảng Ninh ngày 21-12-2012,[16] và vụ Vụ Bản thuộc tỉnh Nam Định ngày 9-5-2012.[17]
Trước áp lực của công luận quốc tế và để xoa dịu dư luận, vào tháng 11- 2011 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề nghị Quốc Hội xem xét và đưa luật biểu tình vào chương trình soạn thảo luật. Cho đến cuối năm 2012, vẫn chưa có luật biểu tình. Trong thảo luận tại Quốc hội, có vị đại biểu cho rằng VN không cần luật biểu tình vì, “phải khẳng định ngay từ khởi thủy và cho tới tận ngày nay biểu tình là để chống lại chính phủ, chống lại chủ trương của chính phủ nước mình.”[18]
MẠNG LƯỚI NHÂN QUYỀN VIỆT NAM






Copy từ: Truyền Thông Chúa Cứu Thế

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét