Anh Đinh Hoài Bảo, chồng chị Nhân, cùng các con đau xót trước cái chết của chị. Ảnh: TRẦN VŨ (Báo Pháp Luật TP)
Sau khi đọc xong bài báo, tôi cảm thấy lòng mình nặng trĩu và một cảm
giác tủi thân ghê gớm dâng nghẹn trong cổ. Cũng là một người phụ nữ, một
người mẹ, tôi có thể hiểu và cảm nhận tình thương yêu vô bờ bến mà chị
Nhân dành cho các con mình. Chị sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình để
con cái được học hành đến nơi đến chốn. Chị gợi lên trong tôi hình ảnh
tảo tần sớm khuya và đức hy sinh cao cả của người phụ nữ Việt Nam xưa
nay. Nhưng ở đây, sự hy sinh của người mẹ Việt Nam không còn là bỏ đi
những niềm vui trong cuộc sống, bỏ đi những giây phút thảnh thơi và tuổi
xuân để chăm lo cho cái, mà sự hy sinh đó là cả một mạng sống. Thiết
tưởng, bằng cái chết tức tưởi ấy, liệu sự hy sinh này của chị có xứng
đáng hay không? Nếu chị được sống trong một xã hội khác đi liệu chị có
phải chết một cách oan uổn vậy không?
Ai cũng biết sinh mạng con người là vô cùng quý giá. Đến một cụ già mà
vẫn còn muốn sống huống chi là chị một người phụ nữ chưa đầy 50 tuổi.
Người ở quê tôi có câu nói, tuy nghe có thô tục thật, nhưng nó thể
hiện rõ ham muốn được sống của con người : “con chó ăn c… còn muốn sống
huống chi con người”. Chị cũng vậy, chị cũng muốn được sống lắm chứ,
sống để không uổng phí cuộc sống quý giá mà cha mẹ ban cho, sống để cùng
chồng chia sẻ buồn vui “duyên ba sinh”, sống để nhìn thấy các con
trưởng thành… Thế mà, chị không còn cách nào khác ngoài việc chọn lấy
cái chết để “lấy ít tiền phúng điếu” cho chồng con sau cái chết của
mình.
Phải đến tận cùng tuyệt vọng, phải là khi con người người ta bị dồn vào
ngõ cụt không có lối thoát thì mới nghĩ đến cách này. Thật buồn đau cho
số phận của chị! Nhưng nhìn lại, nỗi buồn tủi cùng cực đó đâu phải chỉ
của một mình chị, bởi nó là vận mệnh chung của tất cả những người đang
bị gạt ra bên lề xã hội Việt Nam hôm nay. Tại sao thân phân con người
trong xã hội Việt Nam này lại rẻ rúng như vậy? Hỏi cũng chính là đã trả
lời.
Dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, chúng tôi đã được nhồi nhét vào đầu
một mớ những văn chương thi phú “cách mạng”, nhưng cũng một số những tác
phẩm văn học hiện thực phê phán thời Pháp mà các thầy cô đã cố nhuộm
cho “đỏ” lên. Hình ảnh chị Dậu hiện lên trong tác phẩm “Tắt đèn” của Ngô
Tất Tố được hiểu như là một biểu tượng đau đớn của một dân tộc vong
quốc. Người dân nước Nam phải chịu đựng những chà đạp bất công, bất nhân
dưới thời thực dân đã đành. Đằng này, chị Nhân đang sống trong một xã
hội hiện đại của thế kỷ 21, dưới một chính quyền luôn rêu rao là “của
dân, do dân và vì dân” mà chị lại phải hứng chịu một bi kịch như vậy.
Thật quá mỉa mai!
Tôi tin rằng trường hợp của chị không phải cá biệt, nhiều gia đình,
nhiều số phận cũng rơi vào hoàn cảnh như chị. Chỉ có điều, nó không được
đưa lên báo nên không ai biết mà thôi. Vậy thì, đất nước này có thực sự
được “giải phóng”như những người cộng sản Việt Nam vẫn tự mãn hay
không? Hay thực ra nó chỉ là sự thay thế một chính quyền thực dân thời
Pháp và một chế độ dân chủ non trẻ thời Việt Nam cộng hòa thành một nhà
nước độc tài cộng sản tàn ác không kém nếu không muốn nói là hơn, những
tên thực dân?!
Quyền được thụ lãnh cơ hội giáo dục và nghề nghiệp là quyền cơ bản bất
khả xâm phạm của con người. Nó đã được quy định trong Hiến pháp Việt Nam
và chính vì có những quyền như thế mà con người được định nghĩa là “con
người”. Thế nhưng, dù đang sống trên chính quê hương “độc lập tự do”
của mình, chị đã phải dùng mạng sống để đánh đổi cái sự học cho con cái.
Nếu việc này không được chính một tờ báo của Nhà nước này đăng tin mà
do ai đó trong chúng ta đưa tin lên, thì tôi nghĩ chắc nhiều người không
tin và còn cho đó là bia đặt, là nói xấu chế độ.
Qua chuyện này, ta càng thấy rõ hơn bộ mặt thật của chế độ độc tài mà
người dân Việt Nam đang phải sống và chịu đựng. Thật xót xa cho số phận
những người phụ nữ Việt Nam nói riêng và tất cả con dân Việt Nam nói
chung khi phải sống trong cam chịu và khổ đau mà phải mang ơn công “giải
phóng “ của “Bác Hồ và đảng”.
Là một bà mẹ trẻ, tôi thật sự lo lắng cho tương lai của con mình. Rồi
đây, tương lai của con tôi sẽ đi về đâu khi phải sống dưới một chế độ
độc tài với đầy rẫy bất công và quyền con người bị chà đạp như vậy? Nó
sẽ biết ơn tôi hay trách tôi đã mang nó vào cuộc đời này, khi từ lúc nó
còn chưa lọt lòng, bố mẹ nó đã phải chịu bao sách nhiễu từ chính quyền,
chỉ vì ông ngoại và dì nó là những người phản kháng chế độ?!
Tam Kỳ, tháng 4 năm 2013
Tác giả Huỳnh Khánh Vy |
Copy từ: Dân Làm Báo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét