CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Tư, 6 tháng 3, 2013

Vài câu hỏi gửi ông Thiếu tướng Ts Nguyễn Xuân Mười

Đọc trên tờ Công an Nhân dân bài viết: “Đảng Cộng sản Việt Nam – Lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội phải là nguyên tắc hiến định” mới thấy buồn cho trình độ của ông Tiến sĩ mang lon Thiếu tướng của “nhà nước ta”. Định bỏ đi, đọc vào thêm rác tai, những bài viết kiểu bịt tai và trùm chăn gào lấy được này thì nhan nhản trên báo chí giai đoạn qua, chẳng qua là vì chức tước, quyền lợi mà bán rẻ tri thức và lương tâm. Nhưng đã mất công đọc thì không thể không có vài lời với ông Nguyễn Xuân Mười, đành mất đi buổi tán gẫu về chân dài, về mại dâm, về tai nạn giao thông vậy. Dù tôi chẳng có cái mác Tiến sĩ, cũng không biết quân hàm Thiếu tướng là cái gì.
nguyenxuanmuoi
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Mười – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân
Thưa ông Nguyễn Xuân Mười

Chưa cần nói đến việc hơn 80 năm qua, đảng đã đưa đất nước ta vốn là một nước được chính Hồ Chí Minh miêu tả: “Nước ta ở vào xứ nóng, khí hậu tốt. Rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu. Nhân dân dũng cảm và cần kiệm, các nước anh em giúp đỡ nhiều” nay đã đi đến đâu. Chỉ cần nói đến lịch sử đất nuớc ta luôn tự hào là có 4000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước, vậy mà ngay câu đầu tiên trong bài viết, ông chỉ cắt một đoạn ngắn có “hơn 80 năm qua” để khẳng định cho cái mà ông gọi là “Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một tất yếu lịch sử, là nguyên nhân thắng lợi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam”. Vậy thì với 4000 – 83 năm kia, cả đất nước này, dân tộc này  tiến hành hàng loạt cuộc chiến tranh dựng nước và giữ nước thắng lợi mà không có cái  Đảng cộng sản của ông, thì khi đó đảng cộng sản có “là tất yếu lịch sử, là nguyên nhân thắng lợi” hay không? Những năm dài lịch sử kia, cha ông ta dựng nước, giữ nước có phải là sự nghiệp cách mạng không? Nếu không phải thì có nhất thiết phải cần có cái “sự nghiệp cách mạng” để đưa đất nước đến nông nỗi ngày hôm nay không?
Ông viết: “…Hiến pháp và pháp luật nước ta chính là sự thể chế hóa Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng; thực chất của việc tuân thủ nghiêm minh Hiến pháp, pháp luật chính là sự thực hiện Cương lĩnh, đường lối của Đảng trong mọi hoạt động của Nhà nước, trong đời sống xã hội và như vậy mới bảo đảm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng”.
Nếu “Hiến pháp và pháp luật nước ta là sự thể chế hóa cương lĩnh, đường lối, chủ trương của đảng” thì cần quái gì phải sinh ra Hiến Pháp để làm gì? Chỉ cần phố biến cái Cương lĩnh, đường lối của Đảng và những quy định để thực hiện cương lĩnh đó là xong. Dù cương lĩnh đó có đưa cả nước đi vào cơn hoang tưởng “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiếng vững chắc lên Chủ Nghĩa xã hội” hoặc có đưa cả nước đi theo “16 chữ vàng, 4 tốt” thì cũng mặc kệ đời và mặc kệ đất nước. Để thực hiện đường lối của Đảng Cộng sản thì đã có muôn vàn văn bản, nào là Nghị Quyết Đại hội Đảng, rồi đề cương, truyên truyền, vận động, chủ trương, nội chính, kinh tế, đối ngoại, nội vụ… đủ các loại ban bệ. Mỗi ban bệ hàng hà sa số người ăn lương của dân sản sinh ra hàng đống văn bản, nghị quyết, công văn… việc quái gì phải sinh ra cái Quốc hội mang tiếng “của dân, do dân, vì dân” kia làm gì cho cách rách.
Đã là chỉ để thể chế hóa cương lĩnh đường lối của Đảng, thì cần gì một đám nghị sĩ quốc hội hàng năm cũng họp hành, cũng đủ thứ biểu diễn cho tốn tiền tốn cơm nhân dân? Hàng năm hai ba Hội nghị của Đảng tiêu tiền dân chưa đủ hết sao lại còn bày ra Quốc hội? Đại hội Đảng còn bí mật giữ như từ giữ oản, còn đã là Quốc Hội thì phải có màn trình diễn “công khai, chất vấn…” Để rồi ông nghị này chửi ông nghị kia một cách thiếu văn hóa như phường hàng tôm hàng cá ngoài chợ cho người dân tím cả mặt vì mang oan trên danh nghĩa là ông ta đang “đại diện” cho mình? Để rồi nhỡ vô tình có những đại biểu của dân lỡ miệng tiết lộ bí mật quốc gia về trình độ của các ông nghị Việt Nam như “Nghị rau muống, nghị Luật nhà thơ, nghị Lăng Tần”… thì có phải muối mặt sĩ diện quốc gia ra không?
Dù rằng ai cũng biết cái gọi là Quốc Hội mà trong đó đảng viên chiếm tới cỡ 90% thì con số này là rõ ràng là “một bộ phận không nhỏ” – nói theo cách của lãnh đạo hay dùng để chỉ đảng viên, quan chức tham nhũng trong đảng – nên Quốc Hội cũng chỉ là công cụ của Đảng. Nhưng nói huỵch toẹt ra rằng nào là Hiến Pháp hay Pháp luật, hay gì gì đi nữa thì cũng chỉ là để “thể chế hóa cương lĩnh của Đảng” và nhằm để “bảo đảm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng” thì quả là ông có hàm cấp tướng nên dám mạnh miệng. Ông đã không chừa nốt cái lá nho còn lại cho Đảng đang hô hào xây dựng “Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa” và hàng loạt câu khẩu hiệu nhan nhản “Sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp Luật” đã bị ông bóc mẽ là có thể thay tất cả bằng “Sống, làm việc theo cương lĩnh và chủ trương của Đảng” cho nó gọn.
Nếu chỉ để thực hiện chủ trương đường lối của Đảng thì chẳng cần bày vẽ ra nào là Quốc Hội, Hiến pháp, Hội đồng nhân dân, Mặt trận với văn bản nọ, nghị quyết kia, luật này luật khác làm gì cho rách việc… Chẳng hạn đường lối kinh tế như làm Boxit Tây Nguyên, Cảng Dung Quất v.v… được đơn giản hóa bằng câu nói “Đó là chủ trương lớn của Đảng, phản đối vẫn làm” thế là xong. Mặc dù kết quả là mỗi năm, dân ta è cổ bù lỗ vài trăm triệu đôla cũng có sao. Nhân dân cứ cắn răng mà chịu, bấm bụng mà lo trả nợ cho “Chủ trương lớn của Đảng” chứ ai dám hé răng nếu không muốn vào nhà đá.
Tuy nhiên, đọc hết câu thì cũng hiểu được điều ông muốn nói, tất cả những điều ông đưa ra để lý luận cùn như trên bất chấp mọi thứ chỉ vì “như vậy mới bảo đảm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng”. Thưa ông, ông nói với mấy cái ông đảng viên cộng sản của ông thì được, có thể họ cũng cùng duộc với ông, cố bám lấy những luận điệu đó nhằm bào chữa cho việc bám trụ chiếc ghế trên đầu trên cổ thiên hạ vì lợi ích cá nhân, phe nhóm của ông. Còn chúng tôi thì không, cả thế giới này chắc cũng không nốt. Cái cách bóp méo khái niệm về Hiến Pháp, dùng làm công cụ của Đảng chỉ để nhằm “giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng” tức là bất chấp tất cả, miễn giữ được cái ghế của mình thì ai cũng hiểu, không cần nói nhiều thêm buồn cười. Phải chăng đây mới chứng minh được lời bà Doan “Nước ta có nền dân chủ gấp vạn lần dân chủ tư sản” là ở đây?
Ông nên nhớ rằng đó là cách nghĩ của riêng ông và là cách nghĩ quái gở, còn cái định nghĩa chung về Hiến pháp mà cả thế giới thừa nhận thì đó là: “Hiến pháp là đạo luật cơ bản nhất của một Nhà nuớc,nó thể hiện ý chí và nguyện vọng của tuyệt đại đa số dân chúng tồn tại ở trong hoặc ngoài nhà nước đó,nhưng vẫn là dân thuộc về nhà nước đó”. Ý chí và nguyện vọng của “Tuyệt đại đa số dân chúng” chứ không phải chỉ của mấy đảng viên nhà ông, thưa ông Mười.
Đọc đến câu văn sau nghe vừa lủng củng, khiên cưỡng, cố tình nói lấy được “Nội dung Điều 4 khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng qua việc xác định tôn chỉ, mục đích, sứ mệnh của Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội…” Nó lủng củng ở chỗ: Đã là “của cả dân tộc” lại còn tách giai cấp công nhân, nhân dân lao động ra thành một vế khác. Nghĩa là công nhân và nhân dân lao động không thuộc vào dân tộc này mà chỉ là giai cấp riêng của Đảng? Còn cái vế “trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc” hay không thì chẳng cần nhìn, chỉ nghe cũng đủ biết. Giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam đang là những con lừa, càng ngày càng chở nặng gánh nợ quốc gia sau những chủ trương lớn của Đảng, ngày càng bị bần cùng hóa, bị bóc lột bởi chính bọn tư bản giãy chết nước ngoài ngay trên quê hương mình. Một phần đất nước đang dưới gót giày quân xâm lược bành trướng Bắc Kinh là người bạn lớn của Đảng với phương châm 16 chữ vàng và 4 tốt. Nguy cơ mất nước đang hiển hiện trong khi lãnh đạo đảng và nhà nước lo cùng bạn vàng “đi lên chủ nghĩa xã hội”. Ông có thấy không thưa ông?
Nực cười ở chỗ ông viết tiếp như sau: “Thực tiễn cách mạng nước ta đã chứng minh Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Như trên đã nói, với 4000-83 năm còn lại không có đảng CS, thì ai là người lãnh duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội Việt Nam? Hay ngay cả Quang Trung, Lê Lợi hoặc cả 18 đời vua Hùng kia cũng thuộc Đảng Cộng sản Việt Nam? Hay ông lại đánh tráo khái niệm khi dùng từ “cách mạng nước ta” để chỉ nói về giai đoạn 83 năm ấy?
Thưa ông Tiến sĩ, theo định nghĩa Tiếng Việt, thì Cách mạng là xóa bỏ cái cũ và thay thế cái mới tiến bộ hơn, là một thay đổi sâu sắc, thường là xảy ra trong một thời gian tương đối ngắn. Hoặc là “cuộc biến đổi xã hội – chính trị lớn và căn bản, thực hiện bằng việc lật đổ một chế độ xã hội lỗi thời, lập nên một chế độ xã hội mới, tiến bộ” (Theo Wikipedia và Từ Điển Tiếng Việt). Vậy trong lịch sử nước ta đã có bao cuộc Cách mạng đã xảy ra. Chỉ cần đọc lại vài dòng lịch sử đất nước như sau:
“Năm 542, Lý Bí khởi nghĩa thành công, giành lại đuợc độc lập từ tay nhà Lương, xưng là Lý Nam Đế, lập ra nước Vạn Xuân với mong muốn đất nước mãi mãi trường tồn. Năm 905, Khúc Thừa Dụ khởi nghĩa giành được chính quyền. Nhà Đường công nhận chính quyền tự chủ của ông.
Năm 937, Kiều Công Tiễn giết Dương Đình Nghệ cướp quyền lãnh đạo. Ngô Quyền là con rể Dương Đình Nghệ khởi binh trừng phạt. Kiều Công Tiễn cầu cứu nước Nam Hán. Năm 938, quân Nam Hán do thái tử Hoằng Tháo kéo sang nước ta theo đường thủy định phối hợp với Kiều Công Tiễn đánh bại Ngô Quyền. Nhưng Hoằng Tháo chưa đến nơi thì Ngô Quyền đã diệt được Kiều Công Tiễn và bố trí trận địa chờ sẵn. Khi quân Nam Hán lọt vào trận địa mai phục của Ngô Quyền ở cửa sông Bạch Đằng thì bị đánh cho tan tác. Hoằng Tháo chết trận, quân Nam Hán tháo chạy về nước. Vua Nam Hán bỏ mộng xâm lược.
Năm 939, Ngô Quyền xưng vương, dựng kinh đô tại Cổ Loa. Mở ra thời kỳ độc lập tự chủ hòan toàn cho nước ta sau hơn 1000 năm bị đô hộ bởi phong kiến phương bắc”.
Chỉ có một giai đoạn đó thôi, thì đất nước ta đã có bao lần “cách mạng” bởi đúng nghĩa là sau mỗi cuộc cách mạng nhanh chóng đó, đã lập nên những nhà nước tiến bộ hơn trước. Đâu có phải chỉ khi nào “đảng của giai cấp tự nhận là vô sản” nhưng sở hữu hàng đống tài sản lãnh đạo thì mới được gọi là “cách mạng”.  Vậy thì đó có phải là những cuộc cách mạng trong lịch sử nước ta? Hay theo trình độ của ông thì chỉ có cách mạng kể từ khi có Đảng CS? Hay ông lại cho rằng ngay cả những cuộc cách mạng trước đây từ thế kỷ thứ 10, thứ 11 đều “chứng minh Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Bản chất gian dối tranh công, đổ lỗi vẫn thường thấy ở Việt Nam nhưng chẳng lẽ ở đây cũng xảy ra chuyện này?
Còn nếu ông chỉ lấy cái đoạn 83 /4000 năm lịch sử để cố chứng minh điều ông nói, thì quả là buồn cười hơn trẻ con. Với một chế độ cộng sản độc đảng, độc trị mà nghe nói rằng “Thực tiễn cách mạng nước ta đã chứng minh Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội” thì quả là không khác gì khi bác sĩ dốt mổ cho bệnh nhân chết nhăn răng, để chạy tội thì bệnh viện báo cáo “Thực tiễn việc điều trị của bệnh nhân đã chứng minh rằng bác sĩ này là người duy nhất mổ cho bệnh nhân trong bệnh viện” mà không nói rằng: Cuối cùng thì bệnh nhân đã chết.
Thưa ông Nguyễn Xuân Mười, tiến sĩ, thiếu tướng.
Đọc bài viết của ông, mới thấy sự đau đớn cho nền giáo dục Việt Nam, mới thấy khá lo ngại cho hàng tướng lĩnh Việt Nam. Một Tiến sĩ mà chỉ duy nhất viết được những điều con vẹt có thể làm tốt hơn, một người mang lon Thiếu tướng mà chỉ có một tư duy là cố bằng mọi cách giữ lấy sự độc quyền, độc trị để bảo vệ lợi ích phe nhóm.
Thì thử hỏi xã hội sao không đến chỗ suy đồi và vận nước sao không đến chỗ nguy cấp.
Kỷ niệm 34 năm Ngày quân Bành trướng Trung cộng xâm lược phải ôm đầu máu rút chạy về bên kia biên giới.
Hà Nội, ngày 5/3/2013
  • J.B Nguyễn Hữu Vinh


Copy từ: J.B Nguyễn Hữu Vinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét