CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2013

NGHE BT BỘ CÔNG THƯƠNG VŨ HUY HOÀNG TRẢ LỜI, TỨC NHƯ "BỊ BÒ ĐÁ"...

Nghe Bộ trưởng trả lời, thảo dân chịu không nổi!
Chiều tối chủ nhật, vợ chồng người bạn từ thuở thiếu thời mời tôi tới nhà. Bữa cơm cuối tháng 1 “ta” có món quốc hồn, quốc túy “R.T.C” do cô con dâu trưởng trổ tài nấu nướng. Vừa cụng ly rượu sâm, thì trên màn hình TV xuất hiện mục “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời”. Ông Vũ Huy Hoàng – Bộ trưởng Bộ Công thương – “lên sóng lần thứ tư, trả lời những câu hỏi liên quan tới dự án bauxite Tây Nguyên”.
Chúng tôi tạm dừng “sự sung sướng” để nghe ông nói. Thấy ông không nhìn vào giấy, thấy phong thái có vẻ tự tin… cánh già tôi bị ông “hút” vài chục giây đầu.
Vài chục giây đầu thôi, bởi ngay sau câu hỏi đầu tiên của phóng viên VTV1, ông Vũ Huy Hoàng nói: “Theo kết quả thăm dò, trữ lượng bauxite của Việt Nam là khoảng 10-11 tỷ tấn”… Tôi giật mình. Sao trữ lượng bauxite Việt Nam “lớn” nhanh như Phù Đổng vậy? Cách đây gần 6 năm trong quyết định của Thủ tướng phê duyệt “Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác chế biến và sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007- 2015 có xét đến năm 2025” thấy ghi trữ lượng có 5,4-5,5 tỷ tấn, bây giờ tăng gấp đôi rồi?
Ngành thăm dò địa chất giỏi quá ta!
Theo số liệu của cơ quan địa chất Mỹ (U.S.Geological Survey. Mineral Commodity Summaries- 2007- 2008 and 2011- 2012), toàn thế giới có trữ lượng (chắc chắn) 27 tỷ tấn và tài nguyên dự báo 38 tỷ tấn bauxite và Việt Nam có 2,1 tỷ tấn trữ lượng, tài nguyên (dự báo) 5,4 tỷ tấn.
Ông Vũ Huy Hoàng lại khẳng định: trong đó tại tỉnh Đăk Nông là khoảng 4,6 tỷ tấn và tại tỉnh Lâm Đồng khoảng 2 tỷ tấn”, vậy còn 3-4 tỷ tấn nữa nằm ở đâu? Trong khi ở miền Bắc tài nguyên bauxite ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Nghệ An… chỉ khoảng 357 triệu tấn.

Ông tiếp tục:
“Trong những năm gần đây, do nhu cầu nhôm kim loại tăng mạnh, dẫn đến nhu cầu alumin thế giới cũng tăng theo”, “Hiện nay, nước ta đang phải nhập khẩu 100% nhôm kim loại, nên việc triển khai dự án thăm dò, khai thác và chế biến bauxite, trong đó giai đoạn đầu là chế biến alumin là hết sức cần thiết…”, “Việc phát triển ngành công nghiệp khai thác và chế biến bauxite là chủ trương đúng đắn, cần thiết và phù hợp đã được Đảng và Nhà nước xem xét thận trọng, giao cho Vinacomin tổ chức triển khai…, phải làm thí điểm và đi từ quy mô nhỏ lên dần đến quy mô lớn”.
Ô hay! Ông là “tư lệnh trưởng” của các ngành kinh tế quan trọng bậc nhất đất nước mà không cập nhật được tình hình mấy năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ nhôm trên thế giới giảm mạnh à? Nhu cầu giảm nên nhôm tồn kho nhiều làm giá một tấn nhôm sụt rất sâu kéo theo giá 1 tấn alumin chỉ còn 280-300 USD thôi!
Ông lạc quan quá nhưng tại sao vẫn phải bám vào từ “thí điểm” để phòng thân?
Xin có lời đính chính rằng, Bộ Công thương và Vinacomin hoàn toàn không có ý định thí điểm khi quyết tâm triển khai dự án Tân Rai và Nhân Cơ từ năm 2008 nên đã bỏ ngoài tai những lời khuyến nghị rất chân thành và có cơ sở khoa học của hàng ngàn nhân sĩ trí thức.
Cái từ “thí điểm” hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ xuất phát từ thông báo của Bộ Chính trị (số 245TB/TW ngày 24/4/2009) chỉ đạo “Tiếp tục thực hiện chủ trương triển khai 2 dự án ở Tân Rai và Nhân Cơ”… và nhắc rất kỹ “Riêng dự án Nhân Cơ, cần rà soát lại toàn bộ các vấn đề có liên quan, nhất là việc đánh giá hiệu quả kinh tế và tác động môi trường, nếu thực sự có hiệu quả và bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường thì mới tiếp tục triển khai thực hiện.”
Với tinh thần “nghiêm túc”, Vinacomin đã trình cho ông Vũ Huy Hoàng và Bộ Công thương hồ sơ thiết kế cơ sở tính toán hiệu quả kinh tế của dự án bauxite Nhân Cơ “không chê vào đâu được”!
Xin trích dẫn ít số liệu chứng minh:  
   - Vốn đầu tư (không tính VAT): 11.610.187 (triệu đồng), theo tỷ giá hối đoái năm 2009: 16.976 đ/1 USD thì vốn đầu tư qui đổi là 683.920.000 USD.
    Giá thành toàn bộ 1 tấn alumin 4.314.100đ ( 254,13 USD/T)
    Giá bán alumin 6.325.800đ (372,63 USD/T)
    Tỷ lệ % giá thành so với giá bán 68,20%
    Doanh thu bình quân/ năm (từ năm 2012 (?)): 3.994.393 (triệu đồng)
    Chi phí sản xuất trung bình/ năm (từ năm 2012): 2.717.882 (triệu đồng)
    Lợi nhuận thuần bình quân/ năm (30 năm) 1.276.511 (triệu đồng)
    Lợi nhuận ròng bình quân/ năm (30 năm) 988.751 (triệu đồng)
    Suất chiết khấu bình quân (%) 8,325%
    NPV (net present value) 2.690.840 (triệu đồng)
    (PV: giá trị quy đổi về hiện tại của một khoản tiền phát sinh trong tương lai
    NPV: tổng giá trị đại số của một dòng tiền phát sinh trong tương lai đã được qui đổi về hiện tại)
       
    IRR - tỷ lệ hoàn vốn nội bộ 10,45%
    Thời gian thu hồi vốn (kể từ khi đi vào hoạt động) 8,98 năm
    Các loại thuế phải nộp bình quân/ năm (từ năm 2012) 605,057 (triệu đồng)
   
Trong đó
v Nộp ngân sách Trung ương (thuế XK alumin) 199,720 (triệu đồng)
v Nộp ngân sách địa phương 405.338 (triệu đồng)
bao gồm:
ü Thuế thu nhập doanh nghiệp 287.760 (triệu đồng)
ü Phí môi trường 109.544 (triệu đồng)
ü Thuế thuê đất 1.858 (triệu đồng)
ü Thuế tài nguyên 6.176 (triệu đồng)
Bộ Công thương đã có thông báo số 87/TB-BCT ngày 2/3/2009 về kết quả thẩm tra thiết kế cơ sở của dự án Nhân Cơ và đồng tình với chủ đầu tư khi đánh giá hiệu quả kinh tế, coi đó là nền tảng vững chắc để triển khai dự án. Lúc ấy, chính ông và các cộng sự đâu đả động tới “việc xem xét hiệu quả kinh tế các dự án đầu tư, nhất là những dự án có vốn đầu tư lớn, thời hạn hoạt động 30- 40 năm… cần phải dựa trên những tính toán dài hạn, không thể chỉ căn cứ vào một thời điểm để khẳng định hiệu quả hay không hiệu quả” như ông nói loanh quanh trên TV!
Thế thì cách tính (đã dẫn ở trên) của Vinacomin tại dự án Nhân Cơ hay Tân Rai và quyết định phê duyệt của Bộ Công thương dựa vào cái gì, mốc thời gian nào để có một số liệu về lãi tới 122 USD/1 tấn alumin và cứ lãi đều đều (bình quân) suốt 30 năm tồn tại?
Không thể chối bỏ thực tế là dự án Tân Rai sẽ lỗ ngay trong năm 2013 và những năm tiếp theo đó, là cả Nhân Cơ nên ông Vũ Huy Hoàng cố biện bạch “Phải khẳng định hai dự án là thí điểm bước đầu để hình thành ngành công nghiệp khai thác và chế biến nhôm của Việt Nam. Mà đã thí điểm thì phải có thời gian để khẳng định về mức độ chắc chắn của hiệu quả kinh tế.”
Và ông tự trấn an mình để mong có sự “lan tỏa” đến người nghe: “giá alumin trên thị trường thế giới tuy hiện nay thấp hơn giá tại thời điểm đầu năm 2009- thời điểm phê duyệt dự án, nhưng cũng như đối với các kim loại màu khác, không ai đảm bảo mức giá này sẽ cố định như tế trong vòng 5 hoặc 10 năm tới”.
Chao ôi, làm kinh tế như Bộ Công thương và Vinacomin sung sướng thật!
Lập dự án thì “bốc thuốc” theo kiểu lang vườn, vẽ ra các chỉ tiêu trên trời, dưới biển khiến các nhà văn chuyên viết tiểu thuyết viễn tưởng phải cúi đầu bái phục!
Khi đối đầu với thực tại khốc liệt, nghiệt ngã thì cả tướng lẫn quân cứ vòng vo tam quốc, cố tình lẩn tránh chuyện lỗ, chuyện tốn tiền làm đường, chuyện chi phí vận chuyển quá cao, và ông lên giọng rao giảng “nhưng đối với xã hội điều lớn hơn mà tất cả chúng ta mong đợi là hiệu quả tổng hợp về kinh tế-xã hội đối với phát triển vùng, phát triển ngành và phát triển nền kinh tế”.
Lạ lùng thay khi người ta đang bàn mưu, tính kế giảm tiền bồi thường thiệt hại cho hàng ngàn hộ dân mất đất trồng trọt với lý do chỉ khai thác bauxite ở tầng nông, sau vài năm có thể “trả lại” đất để các khổ chủ tiếp tục trồng tỉa. Người cũng đang đòi giảm tiền đóng phí môi trường (bằng với giá khai thác than) vì đã bỏ nhiều tiền của để “bảo vệ môi trường” rồi (!?) mà vẫn không ngượng mồm nói những lời thương dân, thương nước?
Nếu những cái đòi (đáng nguyền rủa ấy) trở thành sự thật thì lấy gì để phát triển vùng?
Làm ăn thua lỗ kéo dài năm này qua năm khác thì lấy gì để phát triển ngành?
Đào tài nguyên, hủy hoại môi trường sống, ô nhiễm nguồn nước, kêu gào giảm thuế, miễn thuế xuất khẩu nữa thì nền kinh tế đã suy thoái sẽ càng trượt dốc.
u
u  u
Nghe những lời ông Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời phỏng vấn trên VTV1 tối chủ nhật (10/3), mấy đêm liền không ngủ được, thảo dân không chịu nổi nữa nên đành dẫn ra ít dòng ông Vũ Huy Hoàng đã nói để giãi bày trước dư luận.
Trong bài nói của ông còn nhiều chỗ hở lắm nhưng dẫn kỹ quá thì bài này còn kéo vài trang nữa. Như thế sẽ làm mất thời giờ của người đọc nên dừng ở đây.
Nguyễn Trung Thành
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Copy từ: NV Phạm Viết Đào

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét