CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2013

Chính phủ có đúng luật khi phát hành trái phiếu để trả nợ cho Vinashin?


Dân Luận tổng hợp

Ảnh: Vinashin được tạo mọi điều kiện thuận lợi để đi tới... sai phạm? (Nguồn: Internet)
Theo báo Dân Trí, khoản nợ quá hạn trị giá 600 triệu USD của Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin đã được bảo đảm bằng trái phiếu được chính phủ bảo lãnh:
"Thông tin từ báo giới nước ngoài khẳng định, phương án phát hành trái phiếu được chính phủ bảo lãnh để thay cho số nợ 600 triệu USD đã quá hạn thanh toán của Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã được đa số các chủ nợ chấp thuận."
Nhưng theo Luật Quản lý Nợ Công và Nghị định 01/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu CP và trái phiếu được CP bảo lãnh thì Vinashin không đủ điều kiện được chính phủ bảo lãnh phát hành trái phiếu vì tình hình tài chính không lành mạnh, ít nhất là trong 3 năm gần đây.
"Điều 34. Điều kiện được cấp bảo lãnh chính phủ
1. Điều kiện được cấp bảo lãnh chính phủ đối với chương trình, dự án bao gồm:
a) Đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư và các quy định của pháp luật có liên quan;
b) Có đề án vay, phát hành trái phiếu, phương án sử dụng vốn vay, trả nợ được Bộ Tài chính thẩm định và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
2. Điều kiện được cấp bảo lãnh chính phủ đối với người vay, người phát hành trái phiếu bao gồm:
a) Trường hợp là doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư phải bảo đảm tối thiểu 20% tổng mức vốn đầu tư là vốn chủ sở hữu. Đối với các tổ chức tài chính, tín dụng phải đạt hệ số an toàn vốn theo quy định của Chính phủ, trừ ngân hàng chính sách của Nhà nước;
b) Tình hình tài chính lành mạnh, không bị lỗ trong ba năm liền kề gần nhất, trừ các khoản lỗ do thực hiện chính sách; tại thời điểm đề nghị cấp bảo lãnh không có nợ quá hạn với các tổ chức tài chính, tín dụng; không có nợ quá hạn liên quan đến các khoản được bảo lãnh, các khoản vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ và ngân sách nhà nước. Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức tài chính, tín dụng chưa đủ ba năm hoạt động liên tục thì phải có cam kết của chủ sở hữu hoặc của công ty mẹ về bảo đảm khả năng trả nợ đối với khoản vay được bảo lãnh;
c) Chấp thuận các chế tài theo quy định của cơ quan cấp bảo lãnh;
d) Trường hợp phát hành trái phiếu quốc tế phải có hệ số tín nhiệm được thị trường quốc tế chấp nhận nhưng không thấp hơn một bậc so với hệ số tín nhiệm quốc gia;
đ) Không vi phạm pháp luật về quản lý nợ công trong thời hạn ba năm liền kề gần nhất tính đến thời điểm đề nghị cấp bảo lãnh;
e) Trường hợp dự án, công trình trọng điểm, dự án lớn có tính cấp bách và có tầm quan trọng đặc biệt cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nếu doanh nghiệp chưa đáp ứng đủ điều kiện về vốn chủ sở hữu, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định miễn áp dụng điều kiện này trong từng trường hợp cụ thể.
3. Điều kiện được cấp bảo lãnh chính phủ đối với khoản vay, phát hành trái phiếu quốc tế bao gồm:
a) Khoản vay nước ngoài thông qua thỏa thuận vay phải có trị giá tương đương 50 triệu Đô la Mỹ trở lên, trị giá phát hành trái phiếu quốc tế tương đương 100 triệu Đô la Mỹ trở lên và trong hạn mức vay thương mại, bảo lãnh vay nước ngoài hàng năm của Chính phủ, trừ các khoản vay quy định tại khoản 4 Điều 33 của Luật này; thời hạn trả nợ tối thiểu là mười năm và các điều kiện vay, phát hành phải phù hợp với điều kiện thị trường và thông lệ quốc tế;
b) Khoản vay, phát hành trái phiếu trong nước bằng ngoại tệ phải có trị giá tương đương 30 triệu Đô la Mỹ trở lên, thời hạn trả nợ tối thiểu là năm năm; nếu bằng nội tệ phải có trị giá 500 tỷ Đồng Việt Nam trở lên, thời hạn trả nợ tối thiểu là một năm." - trích Luật Quản Lý Nợ Công
"MỤC 2: TRÁI PHIẾU ĐƯỢC CHÍNH PHỦ BẢO LÃNH
Điều 40. Điều kiện phát hành trái phiếu
1. Đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định này.
2. Có đề án phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế được Bộ Tài chính thẩm định và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
3. Giá trị phát hành và kỳ hạn trái phiếu phải đáp ứng được các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 34 Luật Quản lý nợ công, nằm trong hạn mức vay thương mại và bảo lãnh vay nước ngoài Chính phủ hàng năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
4. Có báo cáo tài chính của ba (03) năm liên tiếp liền kề trước năm phát hành trái phiếu đã được kiểm toán bởi Kiểm toán Nhà nước hoặc tổ chức kiểm toán độc lập được phép hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, trong đó kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh không bị lỗ trong ba (03) năm liền kề gần nhất, không có lỗ lũy kế và không có các khoản nợ quá hạn. Báo cáo tài chính được kiểm toán của chủ thể phát hành phải là báo cáo kiểm toán nêu ý kiến chấp thuận toàn bộ. Trường hợp báo cáo kiểm toán có ý kiến ngoại trừ thì phải là ý kiến ngoại trừ không trọng yếu và chủ thể phát hành phải báo cáo, giải trình rõ lý do ngoại trừ, ảnh hưởng của yếu tố ngoại trừ đối với tài sản, nguồn vốn, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của chủ thể phát hành và giải pháp khắc phục.
5. Tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về cấp và quản lý bảo lãnh của Chính phủ đối với phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế." - trích Nghị định 01/2011/NĐ-CP
Nếu dựa vào Luật và Nghị Định nói trên thì việc Thủ tướng Chính Phủ và Bộ Tài Chính phát hành trái phiếu chính phủ bảo lãnh để trả nợ cho Vinashin là sai luật. Không biết cơ quan nào sẽ tuýt còi chính phủ đây?
"Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng khẳng định lại, Nhà nước sẽ bằng cơ chế đúng pháp luật hỗ trợ cho Vinashin các điều kiện để tiếp cận vốn tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất và chuyện nợ của Vinashin là bản thân doanh nghiệp phải bằng hoạt động kinh doanh của mình để trả nợ này, chứ không phải Nhà nước dùng vốn ngân sách hay vốn nào để trả nợ thay cho Vinashin" - trích "Vụ Vinashin: Muốn can thiệp cũng chịu thua vì luật"
Theo diễn đàn Tathy
_________________________

Nguyễn Quang A - Nợ Vinashin biến thành nợ Chính phủ

Với sự dàn xếp của Ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse, tháng 6.2007, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã vay bằng cách phát hành 600 triệu USD trái phiếu với kỳ hạn 8 năm.

Vì Vinashin là tập đoàn kinh tế nhà nước nên một số chủ nợ đã đòi Chính phủ Việt Nam trả thay
Những người mua trái phiếu này là các chủ nợ của Vinashin. Các chủ nợ có thể bán trái phiếu trên thị trường cho người khác và người cầm trái phiếu này trở thành chủ nợ mới của Vinashin. Vì thế số chủ nợ và giá mua bán lại trái phiếu Vinashin có thể thay đổi theo thời gian và nhất là theo khả năng trả nợ của Vinashin. Theo thỏa thuận đến tháng 12.2010 Vinashin phải trả một phần gốc 600 triệu USD cho các chủ nợ. Vinashin đã không trả được phần gốc này và 2 khoản tương tự vào đầu năm 2011, tổng cộng là 180 triệu USD.
Khi không trả được nợ Vinashin lâm vào tình trạng phá sản. Do các khoản vay này không được bảo đảm (không được Chính phủ bảo lãnh, không được thế chấp bằng tài sản của Vinashin) nên nếu Vinashin phá sản và phải thanh lý mọi tài sản để trả nợ, thì các chủ nợ trái phiếu này có ưu tiên cuối cùng (sau các khoản nợ với người lao động, nợ nhà nước, các khoản nợ có bảo đảm khác) và như thế các chủ nợ có khả năng mất trắng hoặc chỉ thu được một phần nhỏ (chẳng hạn 10-15%) của món nợ.
Vì thế sau sự kiện không trả được 180 triệu USD gốc và 23 triệu tiền lãi vào cuối 2010 và đầu 2011, giá trái phiếu Vinashin trên thị trường đã sụt đáng kể. Đã có chủ nợ bán tháo trái phiếu Vinashin cho người khác. Không rõ giá mua bán là bao nhiêu, có lẽ không quá 30% mệnh giá(?). Tháng 4.2011 Vinashin mong đợi các chủ nợ giảm cho 90% khoản nợ, tức là chỉ trả 10%, cho thấy giá trái phiếu lúc đó có thể đã rất thấp.
Vì Vinashin là tập đoàn kinh tế nhà nước nên một số chủ nợ đã đòi Chính phủ Việt Nam trả thay, thậm chí có chủ nợ mới, như Quỹ Đầu cơ Elliott Advisors LP đã tiến hành kiện Vinashin ra trước tòa án Anh. Kiện cáo tiếp tục, tàu của Vinashin dù đã chuyển cho Vinaline vẫn bị giữ ở nước ngoài. Vinashin tìm cách đàm phán với các chủ nợ để tái cơ cấu lại khoản nợ 600 triệu USD này từ nhiều tháng nay.
Theo tin được công bố ngày 13.3.2013, Vinashin đã thỏa thuận được với 51% số chủ nợ, những người nắm giữ 75% tổng số nợ, về cách tái cơ cấu khoản nợ này. Theo đó Vinashin sẽ phát hành 623 triệu USD trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh với kỳ hạn 12 năm, lãi suất 1%/năm, không trả lãi và gốc hàng năm mà trả một lần cả gốc và lãi khi đáo hạn. Nói cách khác sau 12 năm Vinashin (hoặc nếu Vinashin không trả được thì Chính phủ) phải trả tổng cộng 697,76 triệu USD cho những người nắm giữ trái phiếu Vinashin này.
Có thể thấy nếu Vinashin thỏa thuận được như vậy với các chủ nợ thì đấy là giải pháp tái cơ cấu nợ tốt cho Vinashin. Và cách làm như vậy không xa lạ trên thị trường tài chính. Nó cũng có thể chấp nhận được đối với các chủ nợ ban đầu vì họ chắc chắn được trả sau 12 năm vì có bảo lãnh của Chính phủ ngược lại thì họ có thể mất trắng. Với các chủ nợ mới đã mua lại được trái phiếu Vinashin với giá rẻ, thí dụ 30% của mệnh giá, thì họ có lời kha khá (được lãi gần 11%/năm), còn nếu đã mua với 20% mệnh giá thì lãi lên đến 15,8%/năm. Trong trường hợp đó đấy là một khoản đầu tư rất hấp dẫn.
Cũng không loại trừ có các ngân hàng thương mại Việt Nam đã mua trái phiếu Vinashin với giá thấp từ các chủ nợ nước ngoài.
Nguyễn Quang A



Copy từ: Dân Luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét