CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013

CÁI "TIẾNG ĐỜI" NGUYỄN ĐÌNH LỘC



          
* LÊ PHƯƠNG DUNG
                "Cọp chết để da, người ta chết để tiếng ". Nhân câu nói của @ Người đưa thư, tôi cũng xin góp chút " cổ phần ". Người xưa có câu ngạn ngữ: " Hổ tử lưu bì ": Cọp chết để da. Khi con cọp chết đi có thể để lại bộ xương cho người ta nấu cao, gọi là cao hổ cốt. Nhưng người ta không chú trọng đến bộ xương mà lại để ý đến bộ da của nó. Cọp chết đi chẳng còn để lại được gì và chỉ để lại bộ da của nó, chắc chắn bộ da này quý lắm.

Nhà báo Lê Phương Dung

                Suy từ cái chết của con cọp, người ta liên tưởng đến cái chết của con người. Con người chết đi không để lại được gì, vì toàn thân sẽ trở thành bụi đất. Vậy khi con người chết đi có thể để lại được gì không? Như cọp chết để lại bộ da quý hiếm của nó? Chắc chắn không để lại đượ gì ngoài danh thơm tiếng tốt. Cho nên người ta mới nói: CỌP CHẾT ĐỂ DA, NGƯỜI CHẾT ĐỂ TIẾNG là như vậy.
              Ở các làng quê Việt Nam, chúng ta hay được nghe những tiếng ru hời trẻ nhỏ, của các bà, các mẹ... Vang lên thánh thót trong giấc trưa hè. Những tiếng ru đó thường được dựa trên những bài ca dao, dễ hát, dễ thuộc và cũng có ý nghĩa giáo dục đạo đức trong đó, tuy nhiều bài có ý nghĩa rất xa xôi. Ví dụ:
Con cò mày đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi, ông vớt tôi vào
Tôi có lòng nào, ông hãy xào măng
Có xào thì xáo nước trong
Đừng xào nước đục, đau lòng cò con.

                 Tại sao tác giả câu ca dao lại mượn lời con cò khuyên ngư ông " hãy xào nước trong, đừng xào nước đục "? Phải chăng chữ " nước trong " muốn diễn tả cái thanh danh, cái danh thơm tiếng tốt của con người ? Và " nước đục " muốn diễn tả tiếng xấu của con người ? Như vậy, có lẽ
tác giả có ý muốn nói: con người ta ai cũng muốn để danh thơm tiếng tốt của mình cho hậu thế, không ai muốn để lại tiếng xấu. Nếu ai chết đi mà để lại tiếng xấu thì làm đau lòng cho con cháu. Vì thế người ta mới mong: " Người chết, nết còn ".
                   Khi sống ở đời, người ta phải cố gắng sống thế nào cho mình có danh thơm, tiếng tốt. Mặc dù phải chịu hi sinh, thiệt thòi. Có nhiều câu tục ngữ nói lên ý tưởng này như:
- Tốt danh hơn tốt áo.
- Ăn một miếng, tiếng một đời
- Đói miếng hơn tiếng đời

" Sinh, Lão, Bệnh, Tử " là điều không thể tránh khỏi trong một kiếp người. Người ta ai cũng phải chết, kẻ trước, người sau, nhưng khi chết đi, phải có gì để lại cho hậu thế, không lẽ chỉ ra đi với " hai tay buông xuôi ". Ai cũng ước mong: " Chữ rằng hổ tử lưu bì. Làm người
phải để danh gì hậu lai ". Vì vậy, khi rời " cõi tạm ", con người không đem theo được cái gì
ngoài một nắm xương khô, nhưng rồi nắm xương khô đó cũng hoá thành cát bụi. Người ta chỉ có thể để lại cái danh, tức là danh dự của bản thân mình mà thôi thưa ông Nguyễn Đình Lộc!
Trên thế giới này đã có biết bao nhiêu bậc vĩ nhân, những anh hùng cái thế, những nhân vật làm nên lịch sử, tất cả đã qua đời. Họ cũng để lại cái danh trong lịch sử. Cái danh có thể tốt, mà cũng có thể xấu. Người đời vẫn còn nhắc đến tên họ với thái độ trân trọng hay khinh bỉ:
Trăm năm bia đá thì mòn
Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.

               Chắc thi sĩ Trần Tế Xương cũng đồng tình với quan niệm trên: Nếu mọi người sinh ra đã là người đúng nghĩa, thì sao ông lại dám chúc tết với những câu:
Bắt chước ai ta chúc mấy lời
Chúc cho khắp hết cả trong đời
Vua quan sĩ thứ người trong nước
Sao được cho ra cái giống người.

                 Tôi mạo muội Cụ chép lại ra đây để mọi người cùng đọc và suy ngẫm.
Kính chúc Tiến sĩ Nguyễn Đình Lộc mạnh khoẻ, đừng để " sảy chân, sảy miệng ", khi đã ở ngoài ngưỡng của tuổi " xưa nay hiếm ", như thế nữa ạ.
Trân trọng.
Nhà báo Lê Phương Dung

http://www.tintuchangngayonline.com/2013/03/nha-bao-le-phuong-dung-oi-ieu-cung-cuu.html 

Copy từ: Bùi Văn Bồng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét