Đức Tổng Giám Mục Justin Welby, nói thêm trong một tuyên bố gởi tới cộng đồng Anh giáo gồm 80 triệu người rằng ông hoàn toàn đồng cảm với quyết định của Đức Giáo Hoàng Benedict thứ 16 rời khỏi công việc mà Đức Giáo hoàng đã đảm đương với “tư cách, nhận thức, và sự can đảm tuyệt vời.”
Tổng Giám Mục Welby cầu xin Thiên Chúa ban phước cho Đức Giáo Hoàng trong thời gian về hưu, và cho những người được ủy thác nhiệm vụ lựa chọn người kế vị.
Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm thứ Hai cho biết bà dành "sự tôn trọng lớn nhất" cho quyết định thoái vị khó khăn của Đức giáo hoàng có gốc Đức. Bà Merkel nói rằng Đức Giáo Hoàng Benedict đã và sẽ vẫn là một trong những nhà tư tưởng tôn giáo quan trọng nhất của thời đại chúng ta.
Tại Rome, nơi Đức Giáo Hoàng đã công bố quyết định của mình, một số người Ý đã lên tiếng bày tỏ ngạc nhiên, trong khi những người khác nói rằng họ thông cảm sự lựa chọn của Ngài.
Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết ông và phu nhân Michelle cảm tạ sự phục vụ của Đức Giáo Hoàng và dành lời cầu nguyện của họ cho Ngài.
Trong một tuyên bố, ông Obama lưu ý rằng giáo hội Công giáo đóng một vai trò quan trọng tại Hoa Kỳ và thế giới, và ông cầu chúc mọi điều tốt nhất cho những vị sắp nhóm họp để chọn người kế nhiệm Đức giáo hoàng.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ, Dân biểu Cộng hòa John Boehner, nói rằng quyết định của Đức giáo hoàng "cho thấy sự khiêm tốn phi thường và tình yêu đối với Giáo Hội."
Ở Nam Phi, Đức Tổng Giám Mục Pretoria, William Slattery, cho biết 170 triệu người Công giáo của lục địa này sẽ tưởng nhớ đến Đức Giáo Hoàng một cách trìu mến. Ông cho biết tin tức đó đã làm cho giáo phận của mình ngạc nhiên, nhưng mà mọi người thông cảm lý do của Ngài.
Và ở Trung Đông, Trưởng giáo sĩ Do Thái giáo của Israel, Yona Metzger, nói rằng Đức Giáo Hoàng Benedict cải thiện mối quan hệ giữa Do Thái giáo và Kitô giáo, điều đó đã giúp giảm bớt phong trào bài Do Thái trên khắp thế giới. Ông hy vọng người kế nhiệm sẽ bước theo những hoạt động của Đức Giáo Hoàng.
Copy từ: VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét