NGUYỄN TRỌNG TẠO
Hôm
23/2 tại Vinh, ông Nguyễn Sinh Hùng có nói với chúng tôi trong bàn tiệc
đầu tư (có Vương Đình Huệ, Phan Đình Trạc, Hồ Đức Phớc…) rằng: Ông Nguyễn Đình Lộc nói sẽ rút chữ ký khỏi bản “Kiến nghị 72” về sửa đổi Hiến pháp; nhưng mới nói chứ chưa có văn bản.
Trưa hôm đó, tôi gọi điện cho ông Nguyễn Đình Lộc hỏi xem thông tin
ông Nguyễn Sinh Hùng đưa ra có đúng không, thì được ông Lộc cười nói: Làm gì có chuyện đó; mình có rút gì đâu!
Theo tôi thì ý của ông Chủ tịch Quốc hội
(và ý của ĐCS?) là không vui khi có ý kiến góp ý nên xem lại điều IV
hiến pháp sửa đổi, hoặc không nên để điều này trong Hiến pháp. Ông Hùng
cũng khuyên tôi nên rút chữ ký trong cái góp ý đó. Tôi cũng nói với ông
và mấy người cùng bàn rằng: Tôi ký vì tôi thấy hợp lý dù tôi
cũng không tin là các vị nghe. Khi các trí thức hưởng ứng lời kêu gọi
góp ý thì đấy là điều vui; khi những người ấy không thèm góp ý nữa thì
đó mới là điều đáng buồn.
Tôi nghĩ đơn giản, nhiều người góp ý bỏ
điều IV không phải muốn “lật đổ hay chống ĐCS” mà vì họ muốn có một Hiến
pháp của Dân hoàn toàn Dân chủ theo hướng Nhà nước pháp quyền. Nếu
không có điều IV thì ĐCS vẫn mạnh, vẫn là lực lượng nòng cốt trong thể
chế Nhà nước ta hiện nay, vì vẫn chỉ có 1 đảng. Thậm chí nếu có những
đảng khác như thời Bác Hồ thì ĐCS vẫn mạnh, vẫn là lực lượng chính trong
trường chính trị. Còn nói người góp ý bỏ điều IV là muốn “lật đổ hay
chống ĐCS” là đã phụ tấm lòng và trách nhiệm của người góp ý.
Tôi nghĩ, các vị lãnh đạo nên thân trọng
trong các nhận định về việc trưng cầu dân ý, không nên quy kết hay khép
tội những ý kiến khác mình.
Đa ý kiến là biểu hiện của dân chủ, có
thể có những kẻ lợi dụng để xuyên tạc, nhưng không phải ai có ý kiến
khác cũng đều là xuyên tạc, phản động. Tôi không nghĩ đa ý kiến là suy
thoái đạo đức hay tư tưởng như có người đã nhận định. Tôi cũng nói với
ông Nguyễn Sinh Hùng: Chúng tôi góp ý thế, các vị nghe thì nghe
không nghe thì thôi; chúng tôi chỉ có quyền góp ý chứ chúng tôi có quyền
quyết định gì đâu.
Tôi nghĩ ông Nguyễn Đình Lộc (nguyên Bộ
trưởng Tư pháp), Hồ Ngọc Đại, Nguyên Ngọc, Việt Phương, Chu Hảo, v.v…
cũng chỉ nghĩ như tôi mà thôi. Nhưng tôi vẫn hy vọng, Quốc hội, Nhà nước
và ĐCS vẫn đặt lợi ích của Quốc gia, của Nhân Dân lên hàng đầu trong
sửa đổi hiến pháp và trong việc điều hành đất nước.
Đi qua Ba Đình, nhìn vào Lăng Bác, bỗng dưng muốn khóc…
28/2/2013
Copy từ: Nguyễn Trọng Tạo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét