CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Hai, 4 tháng 2, 2013

Lúc này ông Nguyễn Phú Trọng đang muốn gì?


 

Kami
-
Lần trước tôi đã viết một bài góp ý cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc đăng đàn diễn thuyết ở các hội nghị, bài viết đó cho thấy trình độ nhận thức của các cán bộ làm công tác Tuyên giáo ở Việt nam kể cả ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đang ở mức đáng báo động. Khi mà họ nói không nghĩ và không biết mình đang nói cái gì với thính giả do đó dẫn tới tình trạng nói năng vô tội vạ, điều mà dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng để xuyên tạc.
Khi đánh giá về ông Nguyễn Phú Trọng, người ta cho rằng ông tuy là một người có học, được đào tạo bài bản nhưng rất rất bảo thủ và giáo điều. Cộng với con đường quan lộ của ông thênh thang, hầu như không hề có chông gai hay trở ngại gì, và đặc biệt ông Trọng không được tôi luyện qua các thử thách thực tế. Đó là điều làm cho ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trở thành một người lãnh đạo thiếu tính thực tế. Trong thời gian nắm giữ chức vị Tổng Bí thư trong gần hai năm vừa qua người ta thấy ông Nguyễn Phú Trọng có những lỗi tưởng chừng là nhỏ, nhưng nó bộc lộ nhưng nhược điểm đối với một người giữ trọng trách Tổng Bí thư đảng CSVN, đảng chính trị hợp pháp duy nhất tồn tại ở Việt nam hiện nay. Đáng tiếc, những lỗi không thể tha thứ này của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lại là những lần đăng đàn ở các hội nghị hay trả lời phỏng vấn của truyền thông nhà nước và được loan tải rộng rãi. Có thể dẫn chứng làm ví dụ:
1. Đó là chia sẻ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Thông tấn xã Việt Nam nhân dịp Xuân Quý Tỵ - 2013: "Mỗi cá nhân tốt thì tổ chức sẽ tốt, mỗi tổ chức tốt thì Đảng ta sẽ mạnh, mà Đảng vững mạnh thì dân tộc ta sẽ mãi trường tồn". Lời phát biểu này đúng ở vế đầu, nhưng sai ở vế cuối dưới góc độ học vấn và hỗn với tiền nhân dưới góc độ đạo đức làm người.
Đành rằng, việc cá nhân ông Nguyễn Phú Trọng hay một bộ phận không nhỏ các quan chức mong muốn để cho đảng CSVN của họ muôn năm - trường tồn, cũng vì lợi ích cá nhân hay các nhóm lợi ích của họ thì cũng là chuyện bình thường. Nhưng nếu cho rằng "Đảng vững mạnh thì dân tộc ta sẽ mãi trường tồn" thì không thể tha thứ và chấp nhận được. Tha thứ và chấp nhận sao được, khi mà dân tộc và tổ quốc Việt nam của chúng ta đã trường tồn tới 4.000 năm lịch sử, hàng ngàn đời người với bao chiến công lừng lẫy đánh đuổi giặc ngoại xâm để bảo vệ giang sơn gấm vóc của cha ông để lại như chúng ta thấy như hôm nay? Trong khi đảng CSVN mới ra đời và tồn tại vẻn vẹn 83 năm (1930-2013) chỉ bằng 1/50 chuỗi thời gian lịch sử của dân tộc. Vậy mà ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lại dám cao giọng nói rằng có đảng CSVN thì dân tộc mới được trường tồn? Nói như vậy xin hỏi có phải ông ông Tổng bí thư đã hỗn láo với tiền nhân, cha ông ta hay không? Đó là chưa nói đến việc ông Tổng Bí thư dám đánh đồng tổ quốc, dân tộc ngang hàng với đảng CSVN của các ông. Nếu hiểu như ông nói thì sự suy vong trong thời gian này hay sự sụp đổ trong tương lai rất gần của đảng CSVN sẽ là báo hiệu sự suy vong và tan rã của cả dân tộc Việt nam?
2. "Nếu chúng ta để cho tư nhân chiếm đất thành địa chủ, và để cho tư nhân chiếm đoạt, khai thác tài nguyên, trở thành tư sản, thì còn gì là Xã hội Chủ nghĩa, còn gì là Đảng Cộng sản nữa?!" Đây là lời vàng ý ngọc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói tại Lào Cai ngày 6.01.2013, Trong chuyến thăm và làm việc tại Lào Cai, kiểm tra tình hình thực hiện các nghị quyết của Trung ương rong hai ngày 5 và 6.1.2013.
Trên thực tế, công cuộc đổi mới do đảng CSVN khởi xướng bắt đầu từ năm 1986 cho đến nay, mà thực chất là thời điểm chính thức ĐCSVN phản bội lại Chủ nghĩa Marx-Lenine, do đó hầu hết các nguyên lý cơ bản nhất của Chủ nghĩa Marx-Lenine đều bị vứt vào sọt rác. Nhưng đảng CSVN vẫn cương quyết phải đổi mới trên tinh thần "Đổi mới hay là chết". Đây là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên như lời của một nhân vật bảo thủ, đó là ông Nguyễn Đức Bình, là một trong những nhà lý luận chính trị xuất sắc của đảng CSVN, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị khóa VII, VIII, nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã không đồng ý về quan điểm lý luận về vấn đề đổi mới khi đề nghị phải nói thẳng thắn, đàng hoàng, minh bạch, thậm chí không gọi sự vật đúng tên của nó lý luận và đường lối của mình. Ví dụ khi nói đến vấn đề đảng viên được làm kinh tế, ông phê phán "Đảng viên làm kinh tế tư nhân không giới hạn về qui mô. Điều đó có nghĩa là gì? Có nghĩa là có thể làm giàu hết cỡ, làm tư bản tư nhân hết cỡ, có thể bóc lột hết cỡ mà (với những điều kiện nhất định?) có thể được làm đảng viên, như vậy có trái sờ sờ với "lẽ tự nhiên" như Bác Hồ nói không?". Hay ông đã khẳng định: ”Trước sau tôi vẫn không đồng ý quan điểm trong Đảng có thể có tư bản tư nhân”, vì theo Hồ Chí Minh và cũng là chủ nghĩa Marx-Lenin: “Không bóc lột người. Đảng chống chế độ “người bóc lột người”. Lẽ tự nhiên, ai bóc lột người thì không thể làm đảng viên” Và “thật vô cùng nghịch lý khi nghĩ rằng kết nạp cả tư sản để mở rộng cơ sở xã hội, cơ sở quần chúng cho cách mạng xã hội chủ nghĩa! Quần chúng công nông, các lực lượng vũ trang con em công nông sẽ hỏi chúng ta ngay: vậy các anh là Đảng của ai?"
Những điều dẫn chứng trên đây để thấy việc từ bỏ Chủ nghĩa Marx-Lenine, tư tưởng Hồ Chí Minh và xa rời Chủ nghĩa Xã hội theo kiểu Stalin là một vấn đề thực tế, đã và đang diễn ra ở Việt nam gần ba chục năm qua theo chủ trương của đảng CSVN. Và bước đầu sự đổi mới này cũng đã đạt được các thành quả đáng khích lệ cho dù nó vẫn chưa hoàn hảo. Khi mà xã hội loài người hiện đang ở trong kỷ nguyên bùng nổ thông tin, một sự kiện xảy ở bất kỳ đâu, chỉ trong vòng vài ba phút đồng hồ cả thế giới đều tường tận. Chứ nó không còn là giai đoạn đầu thế kỷ XX mà ông Tổng Bí thư vẫn cố tình tỏ ra "ngây thơ" khi nhắc tới Chủ nghĩa Xã hội và Chủ nghĩa  Cộng sản. Ông nên nhớ, bây giờ ai mà không biết những thứ Chủ nghĩa Cộng sản và Xã hội Chủnghĩa thật ra chỉ là một thứ ảo tưởng và là cái bánh vẽ để lừa những người nhẹ dạ. Nhưng đáng trách là ông Tổng bí thư và những người lãnh đạo cộng sản vẫn cố tình giả vờ như không biết. Gỉa vờ không biết với mục đích duy nhất là để họ tiếp tục bảo vệ cái chủ nghĩa đầy ảo tưởng như cũ, để rồi nắm độc quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội. Mà họ không biết, một chế độ đặt trên một thứ chủ nghĩa hoang tưởng, hoàn toàn trái ngược với bản tính con người và quy luật phát triển của tự nhiên, thì cuối cùng phải tan rã, như chúng ta đã chứng kiến ở Ðông Âu và Liên xô những năm đầu thập kỷ 90. Đó là cái giá tất yếu phải trả của những kẻ tham quyền và độc tài, coi thường lợi ích của đất nước, dân tộc và nhân dân.
Vậy tự nhiên ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lại lưu luyến và xới lại cái thứ Chủ nghĩa Xã hội theo kiểu Stalin để làm gì? Hay các ông lại định đưa Việt nam đi theo vết xe đổ của đất nước Bắc Triều tiên anh em, nơi mà cha mẹ phải ăn thịt con mình vì đói? Hay đấy là tín hiêu của đảng CSVN cho một cuộc cải tạo kinh tế tư nhân tư bản mới, chấm dứt công cuộc đổi mới để quay lại thời kỳ kinh tế tập trung bao cấp? Nếu thật như vậy thì quả là một ý nghĩ hết sức điên rồ.
Những bài học trong lịch sử, sự tan rã và sụp đổ của phe Xã hội Chủ nghĩa là do nguyên nhân chủ quan của những nhà lãnh đạo cộng sản. Họ là những kẻ cuồng tín nhưng lại mù quáng, bảo thủ và không dám nhìn nhận những thực tế khách quan đang xảy ra hàng ngày, hàng giờ xung quanh họ. Nên nhớ, những gì đi ngược lại các quy luật khách quan của tự nhiên thì các ông đừng mất thì giờ ra sức bảo vệ nó. Như cái Chủ nghĩa Xã hội mà các ông theo đuổi cũng vậy, cho dù ra sức bao biện bao nhiêu thì càng nhận lấy sự thất bại bấy nhiêu. Vì cái đó nó sai và đã đi ngược lại các quy luật khách quan của tự nhiên. Trên thế giới duy nhất có lẽ chỉ có các quốc gia cộng sản thì mới có thứ triết học chính trị "vỉa hè" cho toàn dân, chính quyền dùng thứ chính trị "vỉa hè" này để lừa bịp nhằm khẳng định vai trò lãnh đạo độc tôn của họ. Đó là việc nhà nước ra sức truyền bá và ca ngợi Chủ nghĩa Marx-Lenine cho dân chúng, mà đúng ra các vấn đề thuộc về phạm trù triết học chính trị là thứ sản phẩm độc quyền dành cho các học giả, các nhà nghiên cứu đâu phải là dành cho giới bình dân.
Trở lại câu nói của ông Tổng Bí thư khi cho rằng: "Nếu chúng ta để cho tư nhân chiếm đất thành địa chủ, và để cho tư nhân chiếm đoạt, khai thác tài nguyên, trở thành tư sản, thì còn gì là Xã hội Chủ nghĩa, còn gì là Đảng Cộng sản nữa?!". Ông Tổng Bí thư nói vậy thì xin được thưa với ông rằng: Xã hội Chủ nghĩa hay Đảng cộng sản là chuyện riêng của các ông, cái đó nó không hề liên quan gì đến quần chúng nhân dân. Còn tuyệt đại đa số dân chúng họ mong muốn có một cuộc sống tốt đẹp, được ăn ngon, mặc đẹp, nhà cửa tiện nghi và hạnh phúc với các chế độ an sinh xã hội tốt do nhà nước mang lại cho họ. Ai mang lại cho dân chúng những ước vọng đó càng nhiều thì họ càng ủng hộ. Và ngược lại, những ai không những không làm được mà còn làm thất thoát hàng trăm, hàng ngàn triệu tỷ tiền thuế của dân thì họ ghét, họ không ủng hộ. Chứ chẳng có thế lực thù địch nào kích động và xúi bẩy nhân dân cả. Có chăng thế lực thù địch thì là một bộ phận không nhỏ lũ sâu dân, mọt nước đang tồn tại hàng ngày, hàng giờ trong đảng CSVN để phá từ trong phá ra. Mà ông Tổng Bí thư đang ở vai trò người lãnh đạo của một bầy sâu đó. Không hiểu ông có biết điều đó hay không?.
Kết
Trong lúc chính quyền đang xúc tiến việc lấy ý kiến nhân dân trong việc sửa đổi Hiến pháp, tất nhiên đây là một việc làm vô tích sự mà ai ai cũng hiểu. Thực chất là nhằm mục đích đánh bóng bản Hiến pháp mới cho mang tính dân chủ về mặt hình thức. Bỏ qua điều đó, khi mà bản Dự thảo Hiến pháp mới đang đề cập tới việc "Bỏ quy định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật." thì rõ ràng còn gì là Xã hội Chủ nghĩa, còn gì là Đảng Cộng sản nữa như ông Tổng Bí thư nói. Hóa ra bây giờ nói như ông Trọng thì việc sửa đổi Hiến pháp chỉ là trò đùa hay là ông Trọng thừa nhận một lần nữa đảng CSVN lại lạc đường? Nếu không ông nói những điều kể trên trong thời điểm này nhằm mục đích gì, thưa ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng?
Được biết, sau khi Đại hội đảng CSVN lần thứ XI kết thúc, với kết quả là ông Nguyễn Phú Trọng được các đại biểu dự đại hội tín nhiệm để giữ chức vụ Tổng Bí thư đảng CSVN. Ngoài việc được đánh giá là một con người liên khiết, mẫu mực thì một trong những lý do để các đại biểu tín nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng là vì ông Trọng là một tín đồ trung thành, một trong những nhà lý luận Chủ nghĩa Marx-Lenine hàng đầu ở Việt nam hiện nay. Tuy nhiên dư luận vẫn tin rằng ông Nguyễn Phú Trọng sẽ chỉ đảm nhiệm trọng trách này trong một nửa nhiệm kỳ và sẽ bàn giao lại cho người kế nhiệm khác là đồng chí X. Nhưng đến hôm nay vẫn cái dư luận ấy cộng với sức ép mạnh mẽ của các đồng chí xung quanh ông, họ lại mong cả đôi ông về nghỉ ngay tắp lự.
Phải chăng khi đưa ra những ý kiến lủng củng, bất nhất như trên cũng chính là lý do khiến ông Tổng Bí thư đã quyết định thỏa hiệp với 4S mở chiến dịch đánh đồng chí X để khẳng định vai trò không thể thiếu được của cá nhân mình trong cuộc chiến chống tham nhũng. Mà thực chất chỉ là kéo dài thêm thời gian ngồi ghế Tổng Bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng?
Hóa ra ông Tổng Bí thư cũng tham cái ghế y như những kẻ khác. Thế mà cứ tưởng...
Ngày 02 tháng 2 năm 2013
© Kami



Copy từ: Kami (RFA’blog)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét