CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

Lại một ngày 17/2 im lặng



Đức Thành

Hằng năm cứ đến ngày này tôi lại lặng lẽ theo dõi xem báo chí chính thống mà cụ thể ở đây là các tờ báo lớn như Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân… có nhắc gì tới sự kiện quân đội Trung Quốc xâm lược Việt Nam. Việc nhắc lại không phải để gây thù hằn mà để nhắc nhở chúng ta phải tri ân những nạn nhân vì cuộc chiến rồi từ đó rút ra được những bài học gì về bang giao, về quân sự, về đối nhân xử thế để ít nhất, hướng nhân dân có kinh nghiệm hơn, chủ động hơn trong những tình thế bất ngờ  như đã từng xảy ra vào ngày này của 34 năm về trước.
Trên các trang báo lớn đó tuyệt nhiên chẳng thấy dòng tin nào, khiến chúng ta không khỏi băn khoăn đến hoang mang rằng không biết rồi đây chúng ta nói như thế nào với mọi người chúng ta, trước án hương để nói với tiền nhân; nói với con trẻ, những thế hệ sau, tương lai của chúng ta, ta ăn nói như thế nào với các đoàn khách quốc tế, các nhà văn hóa, nhà Việt Nam học nước ngoài  rồi khách nước ngoài tham quan du lịch khi họ hỏi chúng ta về việc vì sao ta lại im lặng không đả động gì tới cuộc chiến này? Liệu đây có còn là chiến thắng vinh quang của một dân tộc hay đây là chiến thắng trong nhục nhã… nên không xứng đáng để tự hào?  Ngành giáo dục nước nhà thường than phiền rằng học sinh thời nay thờ ơ quay lưng với môn lịch sử, nhưng việc không nhắc lại cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới thiêng liêng của tổ quốc của chúng ta từ ngày 17/2/1979  đến 10 năm sau đó có phải chỉ đơn thuần là quay lưng với lịch sử của những người có trách nhiệm hay còn mục đích  nào khác? Tôi không phải là một nhà giáo (dạy sử), càng không phải là nhà nghiên cứu lịch sử, nhưng tôi cũng hiểu rằng nói đến Lịch sử của một dân tộc không ai lại chặt khúc, bẻ gãy từng giai đoạn lịch sử của dân tộc cất vào hộc tủ để dùng dần. Lịch sử là thứ được trưng ra hay cất vào như một thứ đồ hàng thì còn đâu là lịch sử đúng nghĩa nữa. Nó đã bị biến dạng thành một thứ đồ chơi phục vụ cho lợi ích của  một thế lực  nào đó. Tôi vẫn luôn tin rằng chẳng có thứ nghị quyết chính sách nào cấm đoán việc kỷ niệm chiến tranh, nhưng cũng hết sức hoài nghi về việc chẳng có kỷ niệm gì hết.
Khi tôi còn ở tuổi chăn trâu, quê tôi có các chuyên gia Trung Quốc (thực chất họ là những công nhân cầu đường) khi họ đi làm họ cũng cầm quốc xẻng, sảo sắt, búa đục… như dân lao động bình thường của ta. Trên ngực áo bảo hộ của họ ai cũng đeo huy hiệu “bác Mao”, chúng tôi là trẻ con họ thường hay xoa đầu khi họ khen, hầu hết những trò tinh nghịch của chúng tôi như vẽ bậy vào nhà bạt của họ, họ cũng gọi lại cho kẹo và khen chúng tôi “hảo lớ”. Kẹo của họ cho thì rất ngon nhưng rất ít, chỉ có huy hiệu của “Bác Mao” là nhiều vô kể, họ thường đựng đầy vào những “bao tải” (tôi có kể cho bà tôi nghe về việc họ đựng Bác Mao vào bao tải bà tôi bảo: “Cha bố anh họ đựng vào tay nải, chứ ai dám đựng bác Mao vào bao tải hở con”). Huy hiệu nhiều đến nỗi sau này chúng tôi dùng thay những đồng xu, giọt sành để đánh đáo. Trong ký ức trẻ con, tuổi thơ chúng tôi thì những công nhân Trung Quốc ấy là những người rất tốt. Thế  rồi khi đất nước thống nhất, cầu Thăng Long quê tôi bị bỏ dở bởi chuyên gia và công nhân Trung Quốc rút hết về nước (họ bỏ dở không giúp ta xây cầu nữa). Trong số công nhân của họ lúc chia tay có người cũng sụt sùi khóc. Còn bọn trẻ chúng tôi thì không còn được phát huy hiệu Bác Mao để đánh đáo nữa.
Sau này vào cấp 3 chúng tôi lớn dần lên khi nghe người lớn kể lại là lúc chuyên gia Trung Quốc rút về nước họ đã đem hết tất cả các quốc xẻng búa đục của họ về nước không biết bao nhiêu là xe tải, nhưng họ chỉ đi trót lọt được một vài xe, còn đâu là bị giữ lại, bởi số cuốc xẻng búa đục đó đều là thứ vàng mười họ ăn cắp hoặc khai thác được từ trước trên đất ta được đúc giả quốc xẻng… Chúng tôi còn nghe được trong số cán bộ của họ ại thực lòng muốn giúp ta những kiến thức bí quyết nào đó cũng bị cán bộ của họ giết hại rồi đổ tội cho ta đã giết, như câu chuyện về một chuyên gia in hoa của họ ở một nhà máy dệt tại Việt Trì – Phú thọ đã bị giết khi người này được các công nhân Việt Nam rất yêu quí.
Ông bà ta có câu “không ưa thì dưa có giòi”. Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ thôn tính nước ta nên không bao giờ “quả dưa Việt Nam” được họ coi là ngọt ngào, ngày nay càng không thể ngọt ngào bởi vì Biển Đông ngày càng được khẳng định có nhiều tiềm năng và lợi ích kinh tế nếu ai làm chủ được nó và nó đã bị gợn những đợt sóng ngầm từ 1974.
Trong các cuộc nói chuyện, lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta luôn luôn nhắc nhở phải lấy đại cục làm trọng, phải hết sức tránh  xung đột chiến tranh, đó là ý chí của ta. Rõ ràng là dân tộc ta chẳng ai dại dột gì đi gây chiến, nhưng thử nghĩ ngược lại họ biết ta nhỏ, ta không có đồng minh mà họ cậy đông cứ lấn dần biển đảo theo kiểu một thằng khổng lồ ngủ gần một thằng tý hon trên chiếc  giường chật, thằng khổng lồ cậy lớn xác đã ngủ ngáy như sấm rền lại còn giang chân, giang tay lấn sang hết phần giường của người tý hon khiến người tý hon không có chỗ ngủ, buộc người tý hon phải có trí thông minh để đối phó, chứ sao lại im lặng để thằng khổng lồ muốn làm gì thì làm? Thông minh thì có rất nhiều cách theo kiểu mà cha ông ta đã “dĩ bất biến ứng vạn biến”, “kẻ to chóng đói chóng mệt”, hoặc nhờ cộng đồng làng xã chỉ bảo dạy dỗ giùm… Ta đừng cứ nhìn đại cục giữ đại cục trong khi  mồm họ nói giữ đại cục mà tay chân họ liên tục gây hấn, họ tuyên bố thành lập đơn vị hành chính trên đất ta, diễu võ giương oai tại biển của ta.
Thuở xưa cha ông ta đánh giặc âu cũng là việc chẳng đặng đừng phải cầm gươm giáo. Nay ta không nên đánh khi ta còn tránh được, nhưng ta phải làm sao cho thế giới tin tưởng rằng ta một lòng nhờ thế giới phân xử. Muốn như vậy ta phải chứng minh được ta một lòng vì dân tộc ta. Để  tạo điều kiện để dân tộc ta phát triển thịnh vượng thì phải mở chìa khóa dân chủ, toàn dân có cơ hội tham gia quản lý lãnh đạo đất nước nhằm phát huy cao độ sức mạnh của toàn dân tộc để chung tay xây dựng đất nước. Đừng bám vào quá khứ vinh quang của một đảng nhưng hiện tại lại  có quá “nhiều nguy cơ” và một tương lai “bất định” để dẫn dắt đất nước, dân tộc. Đừng bao giờ nghĩ rằng đất nước được sống, phát triển thịnh vượng bằng quá khứ vinh quang của một ai đó, mà trên hết sự đi lên của một dân tộc phải được khẳng định bằng bản lĩnh trí tuệ của cả một dân tộc chứ không thể bằng bản lĩnh trí tuệ của một đảng phái nào.
Việc nhắc lại quá khứ dù vinh quang, hay buồn đau cũng là việc nên làm cho bất cứ ai. Không dám nhắc lại quá khứ thì làm sao mà đúc rút được những bài học kinh nghiệm? Hơn hết chiến thắng biên giới 1979 đã nối tiếp khơi dậy niềm tự hào dân tộc từ thuở dựng nước đến nay. Ai không dám đề cập đến nó phải xem lại chính mình.
Đ.T.
Tác giả gửi trực tiếp cho: Bauxite Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét