CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Chiến tranh hối đoái


Một cuộc chiến không tiếng nổ, chỉ có tiếng tiền...

Nguyễn-Xuân Nghĩa

Mở hàng hôm Thứ Hai 18 Tháng Hai, thị trường cổ phiếu Tokyo lên giá. Giới quan sát giải thích là nhờ hội nghị giới lãnh đạo tài chánh và ngân hàng của nhóm G-20 tại Nga đã không đả kích Nhật Bản là cố tình giảm giá đồng Yen để kích thích kinh tế. Cái tin nhỏ ấy cho thấy là từ một tuần nay, hai hội nghị liên tiếp của nhóm G-7 rồi G-20 đều trấn an thị trường tài chánh thế giới rằng các nước không lao vào một cuộc chiến hối đoái khi đua nhau giảm giá đồng bạc của họ... Tuần qua, tờ Economist còn đi xa hơn. Rằng thế giới đừng sợ cuộc chiến giữa các đồng ngoại tệ, nên mừng về quyết định của Nhật Bản và Hoa Kỳ, và Âu Châu bên bắt chước.... Nhưng nếu không có lửa, vì sao có khói?
Mà khói đã bốc lên từ khá lâu rồi.
Ngày 27 Tháng Chín năm 2010, tổng trưởng tài chánh xứ Brazil là kinh tế gia (gốc Ý) Guido Mantega đã báo động tại Sao Paulo. Rằng “Chúng ta đang ở giữa một cuộc chiến hối đoái quốc tế khi các nước đều giảm giá đồng bạc. Ðiều ấy đe dọa sức cạnh tranh của chúng tôi”.
Ta phải nhắc lại vụ này vì qua năm năm khốn khó, nhiều quốc gia tìm cách kích thích sản xuất và tiêu thụ để đẩy lui thất nghiệp và kéo nền kinh tế ra khỏi tình trạng suy trầm.
Vì biện pháp kích thích bằng tiền tệ - giảm lãi suất cho vay - không công hiệu, các nước áp dụng biện pháp ngân sách, là tăng chi. Mà chỉ gây thêm bội chi và phải vay mượn nhiều hơn chứ kinh tế vẫn đầy ra ý là ỳ ra đấy. Khi cả hai loại biện pháp cổ điển đều vô hiệu, người ta tung ra đòn bất thường hãn hữu, là “gia tăng mức lưu hoạt có định lượng” hay “quantitative easing”, QE.
Trong một kỳ khác, ta sẽ tìm hiểu vì sao QE chỉ là biện pháp tin tiền ảo để bơm vào kinh tế. Chuyện cần biết ở đây là ngần ấy trường hợp can thiệp đều chậm đạt kết quả nhưng dẫn tới hệ quả là làm đồng nội tệ mất giá so với các ngoại tệ khác. Khi đồng bạc giảm giá thì hàng xuất cảng ra ngoài sẽ thành rẻ hơn, dễ bán hơn, và nhập cảng lại đắt hơn: Kết quả có lợi cho xuất cảng của mình mà bất lợi cho nhập cảng - tức là xuất cảng của xứ khác.
Hoàn cảnh ấy có kích thước quốc tế vì nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản và nhiều nước Âu Châu đã thực tế can thiệp vào thị trường hối đoái và mang tiếng là... đánh võ Tàu. Vì cũng làm như Trung Quốc trong nhiều năm liền: Duy trì hối suất thấp của đồng Nguyên (Nhân dân tệ hay Renminbi) để kích thích xuất cảng.
Xứ Brazil than phiền là họ bị cạnh tranh bất chính khi ngân hàng trung ương của các nước Âu-Mỹ-Nhật và thậm chí Nam Hàn hay Ðài Loan đều can thiệp vào thị trường hối đoái để đua nhau phá giá đồng bạc. Chuyện chiến tranh hối đoái xuất phát từ đó.
Nó càng là đề tài nóng khi ông Shinzo Abe đắc cử thủ tướng Nhật vào Tháng Mười Hai vừa qua. Khi tranh cử, ông báo trước là sẽ quyết liệt đẩy nền kinh tế ra khỏi nạn suy trầm (recession), đình trệ (stagnation) và giảm phát (deflation) kéo dài từ hai chục năm nay. Ông trình bày chương trình ấy trong tinh thần quốc gia dân tộc, giữa bối cảnh tranh chấp và xung đột với Trung Quốc, và thắng lớn.
Ông thay thế thống đốc Ngân Hàng Trung Ương và đưa ra một kế hoạch kích thích lớn lao: Ðịnh mức lạm phát cao gấp đôi, là 2% thay vì 1%, ào ạt tăng chi, cho Ngân Hàng Trung Ương bơm thêm tiền nhờ mua trái phiếu và các loại chứng khoán khác, cũng lại là QE. Kế hoạch này gồm cả biện pháp bán ra đồng Yen làm tiền Nhật thành rẻ hơn so với Mỹ kim, đồng Euro hoặc các ngoại tệ khác, nhờ đó chặn đà lên giá quá tai hại của đồng bạc và kích thích xuất cảng.
Chính là “hiệu ứng Abe” mới hâm nóng không khí chiến tranh lạnh giữa các nước trong lãnh vực hối đoái và gây ra cuộc tranh luận hiện nay là có chiến tranh giữa các đồng bạc hay không.
Khi thất hùng kinh tế của thế giới là nhóm G-7 (Mỹ, Nhật, Ðức, Anh, Pháp, Ý, Canada) tìm cách hạ nhiệt với lối nói nước đôi trong kỳ họp ngày 12 Tháng Hai, rồi nhóm G-20 gồm 20 nền kinh tế có sản lượng tổng cộng là 90% tổng sản lượng toàn cầu, lên tiếng trấn an trong hai ngày hội họp 14-15 Tháng Hai, người ta muốn tránh cái nạn đạp lên đầu nhau để thoát hiểm. Ra điều là các nước có phối hợp với nhau, chứ không gây ra tình trạng “đèn nhà nào nhà ấy rạng, mạng người nào người ấy giữ”.
Sự thật lại không lạc quan như vậy. Lại còn phức tạp hơn nữa nếu ta vạch ra chiến tuyến giữa các nước công nghiệp hóa với các nước đang phát triển.
Sự thật không lạc quan vì đã có nhiều trường hợp chủ động phá giá khi can thiệp vào thị trường hối đoái. Như Hoa Kỳ vào ngày 15 Tháng Tám năm 1971 khi Richard Nixon thả nổi đồng bạc và áp đặt 10% phụ phí trên hàng nhập cảng, hoặc quyết định vào Tháng Chín năm 1985 của năm nước tại “hội nghị Plaza” nhằm giảm giá Mỹ kim - và gây tai họa sau đó cho Nhật Bản. Dù đến sau, Trung Quốc cũng chẳng là ngoại lệ với chế độ hối đoái lệch lạc hiện nay của mình.
Sự thật còn phức tạp hơn nữa khi các nước đang phát triển đã biết thân biết phận mà thủ rất kín với khối dự trữ ngoại tệ rất dầy. Việt Nam chưa lên tới trình độ này!
Sau vụ khủng hoảng Ðông Á 1997-1998, các nước nín thở gom vốn ngoại tệ để phòng ngừa rủi ro. Trong vòng 15 năm, từ 1995 đến 2010, lượng tư bản toàn cầu đã từ Tây phương “chảy về Ðông” với khối dự trữ ngoại tệ của các nước đang phát triển vượt xa các nước công nghiệp hóa. Một phần là nhờ sức năng động của các nước tân hưng khi họ ráo riết xuất cảng và ghim lấy ngoại tệ. Phần kia là - như ngày nay - nhờ các nước công nghiệp hóa đều hạ lãi suất tới sàn để kích thích kinh tế.
Khi đạt xuất siêu và có cái nệm dự trữ ngoại tệ khá dầy, đồng bạc của các nước đang phát triển lên giá và gây bất lợi cho sức cạnh tranh của họ, đấy là nội dung lời than của Brazil. Ðã vậy, các nước Âu-Mỹ-Nhật đều giảm giá đồng bạc để tìm lợi thế xuất cảng sau khi thất bại trong các biện pháp kích thích kinh tế cố hữu, kể cả và nhất là biện pháp tăng chi để kích cầu và lại đi vay...
Rắc rối hơn thế, chuyện “chiến tranh hối đoái” còn che giấu một thực tế khác, là sức cạnh tranh suy yếu của các nước đã phát triển khi bị các nước tân hưng qua mặt.
Thí dụ điển hình là trận chiến Hàn-Nhật, giữa các doanh nghiệp Nam Hàn và Nhật Bản, một trận chiến không gây tiếng nổ.
Mấy chục năm trước, các tổ hợp Nhật về đồ gia dụng điện tử (như Sony, Pioneer, Hitachi hay Sharp) hoặc xe hơi (như Toyota, Nissan hay Honda) đều là đại gia toàn cầu. Còn doanh nghiệp Ðại Hàn như Samsung, LG hoặc Daewoo, Hyundai, KIA, chỉ bán ra loại hàng rẻ mạt và mau nát.
Sau đó, Samsung đã qua mặt Sony từ năm 2005, và ngày nay hãng Sharp thì mấp mé phá sản, Hitachi chạy ra ngoài rìa và Hyundai cùng KIA đã chen chân với Toyota và Honda, Nissan. Một lý do là nhờ đồng Won của Nam Hàn đã sụt giá so với đồng Yen.
Nhưng sức cạnh tranh vượt bậc này còn đến từ yếu tố khác hơn là lợi thế hối đoái: Samsung đang gậm vào trái táo Apple của Hoa Kỳ! Nếu xứ Brazil cũng có sức cạnh tranh ấy, chưa chắc họ đã than vãn về chuyện phá giá bất chính...
Và thực tế thì tình trạnh toàn cầu đều phá giá để tìm lợi thế xuất cảng là điều cũng vô vọng và bất khả như xuất cảng lên Hỏa Tinh. Vì bài viết có hạn lượng là khoảng 1.500 chữ nên xin dành cho một kỳ sau vấn đề định giá đồng bạc nếu so với... vàng.
Hấp dẫn và nhức tim lắm.



Copy từ: Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét