CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2013

Việt Nam hy vọng gì ở "dư luận viên" ?


Với đội ngũ « dư luận viên », Việt Nam hy vọng dập tắt tiếng nói phản kháng trên mạng

Phiên xử các nhà hoạt động xã hội tại thành phố Vinh - Nghệ An, ngày 09/01/2013
Phiên xử các nhà hoạt động xã hội tại thành phố Vinh - Nghệ An, ngày 09/01/2013
AFP PHOTO/Vietnam News Agency

Thanh Phương
Mặc dù đã ngăn chận các trang web, bỏ tù nhiều blogger, xách nhiễu gia đình họ, nhưng chính quyền Việt Nam vẫn không kiểm soát được toàn bộ thông tin trên Internet, cho nên Hà Nội phải sử dụng cả một đạo quân gọi là « dư luận viên » để dập tắt những tiếng nói phản kháng.

Tại Hội nghị công tác tuyên giáo toàn quốc 2012 ngày 09/01 vừa qua tại Hà Nội, trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi tiết lộ là chính quyền thành phố đã tổ chức một đội ngũ 900 « dư luận viên » trên toàn thành phố, cũng như tổ chức « nhóm chuyên gia » đấu tranh trực diện trên mạng Internet, tham gia bút chiến trên mạng, nhằm chống « luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch ». Ông Lợi còn cho biết, đến nay đội ngũ « dư luận viên » đó đã xây dựng được 19 trang tin điện tử, hơn 400 tài khoản trên mạng. Đây là lần đầu tiên, chính quyền Hà Nội chính thức thừa nhận sử dụng phương pháp này của Trung Quốc.
Một nữ blogger giải thích với hãng tin AFP : « Mỗi khi tôi viết bất cứ gì gây chú ý, họ liền lên tiếng để "định hướng dư luận". Lập luận của họ thường là " hãy câm miệng lại và tin tưởng chính phủ ". Họ không hề tham gia tranh luận nghiêm chỉnh, mà chỉ chuyên ngụy biện và nói xấu cá nhân ».
Người thì viết : « Đừng nghe những luận điệu của bọn phản động nước ngoài. Đó là những kẻ do chế độ cũ trả tiền xuyên tạc và gây bất ổn xã hội ». Một « dư luận viên » khác thì tự hỏi : « « Nếu những thế hệ trước mất tin tưởng vào chính phủ như các bạn hiện nay, thì làm sao bây giờ các bạn có thể truy cập mạng Facebook được ? Nếu như thế thì làm sao chúng ta trước đây có thể thắng trận Điện Biên Phủ được ? ».
Hãng tin AFP trích lời ông Phil Robertson, phó giám đốc đặc trách châu Á của Human Rights Watch, bình luận rằng « những chính quyền đàn áp nhân quyền như Việt Nam lại lập các nhóm lính trên mạng để phổ biến quan điểm của chính phủ, thì quả là một điều mỉa mai ».
AFP nhắc lại rằng, vốn vẫn bị tổ chức Phóng viên không biên giới xếp trong danh sách « kẻ thù của Internet », chế độ Hà Nội trong những năm gần đây đã giam cầm nhiều blogger, những người đã dám khai thác không gian tự do trên mạng, đối lại với một hệ thống báo chí chính thức bị kiểm soát chặt chẽ.
Gần đây nhất, ba blogger nổi tiếng Nguyễn Văn Hải ( Điếu Cày) Phan Thanh Hải ( Anhbasaigon ) và Tạ Phong Tần đã bị y án tù từ 3 đến 12 năm trong phiên xử phúc thẩm ngày 27/12. Năm ngoái, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu công chức không được xem 3 trang web chỉ trích đích danh ông.
Nhưng, các blogger cười nhạo những nỗ lực của chính quyền. Một blogger nói với AFP : « Họ nghĩ là có thể định hướng được dư luận, nhưng họ lầm to. Người dân đâu có ngốc như thế ». Kinh tế càng khủng hoảng, nỗi bất mãn của dân chúng càng tăng. Blogger này nhấn mạnh : « Nhiều người hiện giờ không dám công khai bày tỏ quan điểm vì sợ gặp rắc rối. Nhưng trong thâm tâm, họ không hài lòng ».
Việc lập ra đội ngũ hàng trăm « dư luận viên » còn bị giới blogger chỉ trích về mặt chi phí. Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi không nói rõ là các « dư luận viên » nói trên có được trả lương hay không, nhưng chắc là chẳng có ai làm việc này không công. Bằng chứng là vào cuối tháng 12 năm ngoái, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thông báo sẽ trả tiền « phụ cấp trách nhiệm » cho các « cộng tác viên dư luận xã hội » của thành phố này. Như vậy, việc thành lập các đội ngũ « dự luận viên » để chống các « luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch » sẽ làm tăng thêm gánh nặng ngân sách cho Nhà nước, vào lúc kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, đời sống người dân thêm khốn đốn.



Copy từ: RFI


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét