CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2013

Góp ý sửa hiến pháp - Mừng hụt


Trần Hoàng Lan (Danlambao) - Mừng hụt hay mừng trượt là cảnh đang mừng nhưng nhận ra là không thể tiếp tục được nữa nên phải chấm dứt. Sau đây là vài cảnh mừng hụt.
Cảnh mừng hụt mà người ta hay thấy nhất là cảnh "ăn mừng bàn thắng hụt" ở trên sân cỏ. Nó bắt đầu từ lúc một cầu thủ đưa được bóng vào lưới đối phương nhưng không biết rằng mình hoặc đồng đội đã phạm lỗi trước đó. Không chỉ anh ta mà cả ông bầu, cổ động viên cũng ăn mừng và có tới 1001 kiểu khác nhau. Nhưng cảnh này chỉ diễn ra chừng vài giây bởi nó buộc phải chấm dứt khi đã biết trọng tài báo phạm lỗi, không công nhận bàn thắng. Sau cảnh mừng hụt này bên này thì thở phào nhẹ nhõm, bên kia thì chưng hửng, nhưng cũng chẳng đến nỗi thất vọng quá. 
Lũ trẻ, con của nhân vật chính trong truyện ngắn "Trẻ con không được ăn thịt chó" của cố nhà văn Nam Cao cũng có hai lần mừng hụt.
Lần thứ nhất: bụng đói meo lại được ngửi mùi thịt chó khi thấy bố cùng khách bày mâm, lũ trẻ mừng vì tưởng được ngồi cùng để ăn. 

"Lũ trẻ, thấy người lớn cũng làm trò như chúng, thích chí cười sằng sặc. Chúng à à tuốn vào nhà trước, như đàn ruồi. Cu Nhỡ trèo lên phản ngồi xếp bằng sẵn. Cu Con trèo không kịp khóc oà lên. Nhưng người bố trợn mắt thật to và quát:
- Những thằng này hỗn! Chỗ chúng mày ngồi đấy à? Cu Nhỡ cười như mếu, vội vàng tụt xuống. Cu Nhớn lấy thế làm khoái lắm. Nó vừa lêu lêu em, vừa nhạo:
- Xấu! Không ngồi đấy đi!... Xấu! Không ngồi đấy đi... Nhưng nó cũng cụt hứng ngay. Bố nó quay lại nó:

- Còn mày nữa! Không xách thằng cu Con đi à? Đưa nhau xuống bếp, rồi ăn cơm".
Lần thứ hai là khi bố và khách ăn xong chúng cũng mừng vì hy vọng còn một chút thức ăn thừa:
"Cũng may, tiếng người bố trên nhà gọi :

- Cái Gái đâu! Dẹp mâm đi, này! Bốn đứa trẻ cùng nhỏm dậy: mặt chúng đột nhiên tươi tỉnh lại. Gái “vâng” một tiếng thật to và chạy lên. Cu Nhớn, cu Nhỡ ngồi chồm chỗm đợi… Một lát sau, Gái bê mâm xuống. Nó cũng nâng lên ngang mặt như cha lúc nãy. Các em nó đứng cả lên, chực đu lấy cái mâm. Nó càng nâng cao hơn, mồm thét:

- Khoan! Khoan! Kẻo vỡ... Cu Nhớn thét:

- Thì bỏ xuống! Gái vênh mặt lên, trêu nó:

- Không bỏ. Không cho chúng mày ăn

.- Có sợ thành tật không?

- Không cho ăn thật đấy. Cu Nhỡ sốt ruột, khoặm mặt lại, vằng nhau với chị :

- Làm trò mãi! Có bỏ xuống đây không nào? Gái hạ nhanh mâm xuống đất, bảo:

- Này, ăn đi. Nó ngẩng mặt nhìn các em, cười the thé. Người mẹ xịu ngay xuống. Trong mâm, chỉ còn bát không".
Sau cảnh mừng hụt này một bi kịch diễn ra: 
"Thằng cu Con khóc oà lên. Nó lăn ra, chân đập như một người giãy chết, tay cào xé mẹ. Người mẹ đỏ mũi lên và mếu xệch đi, rưng rức khóc. Cái Gái và cu Nhớn, cu Nhỡ cũng khóc theo". 
Người bố nếu được chứng kiến hoặc biết chắc hẳn sẽ vô cùng ân hận.
Thông thường phải chờ đến khi kết thúc mới biết, nhưng cũng có cảnh mừng hụt người ngoài cuộc đã biết rõ từ lúc nó đang diễn ra. Cảnh mừng hụt sau thuộc loại đó.
Lẽ thường, luật pháp được sinh ra, được thực hiện là để bảo vệ trật tự xã hội, bảo vệ quyền sống công bằng của người dân. Thế nhưng ở Việt Nam do duy trì không nghiêm, xét xử thiếu công minh, hệ thống luật pháp rối rắm, chồng chéo, có cả những điều trái với các công ước quốc tế thì nó lại làm cho người dân nhiều phen khốn khổ, điêu đứng. 
Có thể coi việc người dân phải chịu đựng sự khốn khổ đó như là mắc phải một "căn bệnh". Cũng không khó khăn lắm để biết rõ nguyên nhân gốc rễ gây nên "căn bệnh" này. Đó là vì đảng cộng sản Việt Nam nắm cả ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp nên tùy tiện ban hành luật, tùy tiện thực hiện, tùy tiện xét xử để có lợi cho họ còn dân ra sao thì mặc. Nhưng vì một lý do nào đó vẫn còn nhiều người chưa rõ hoặc hiểu sai về nguyên nhân của "căn bệnh" trên. 
"Có bệnh thì vái tứ phương" nghĩa là sẵn sàng tìm thày, tìm thuốc ở bất cứ đâu miễn là chữa khỏi, chưa chữa khỏi thì bệnh thuyên giảm cũng tốt. Bởi vậy cứ mỗi lần nghe thấy có sửa đổi hiến pháp pháp luật là họ lại vui mừng, thấp thỏm chờ đợi, hy vọng. 
Và lần này các thông tin sau "Ngày 6/8/2011 kết thúc kỳ họp thứ nhất, quốc hội khóa 13 đã thông qua trong đó có các nghị quyết : Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và điều chỉnh chương trình luật, pháp lệnh năm 2011, nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ngày 9/8/2011 chủ tịch UB dự thảo sửa đổi hiến pháp Nguyễn Sinh Hùng đương kim chủ tịch quốc hội lưu ý "hoạt động của UB phải đảm bảo nguyên tắc sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời giữ vững nguyên tắc tập trung, dân chủ, lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân. Ngày 7/9/2011 UB dự thảo họp công bố lộ trình sửa đổi hiến pháp: Tháng 1 năm 2013 sẽ tổ chức lấy ý kiến của nhân dân và các ngành các cấp trước khi trình Quốc hội thông qua vào tháng 10 hoặc tháng 11 năm 2013""  , đối với họ cũng không phải là một ngoại lệ. Tâm trạng này có thể kéo dài được tới cuối năm 2013, thời điểm công bố kết quả của sửa đổi hiến pháp. Nhưng kết quả có thể dự đoán chính xác bằng cách điểm lại các lần sửa đổi. 
Từ năm 1946 tới nay đảng cộng sản Việt Nam đã có ba lần sửa đổi hiến pháp đó là vào các năm 1959, 1980, 1992. Các lý do cần phải sửa đổi nêu ra trong "lời nói đầu" đều rất "kêu" chẳng hạn như "cho thích hợp với tình hình và nhiệm vụ mới"; hay "cần có một bản Hiến pháp thể chế hóa đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam trong giai đoạn mới. Đó là Hiến pháp của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước"; hoặc kèm theo khoe khoang về thành tựu của công cuộc đổi mới "Từ năm 1986 đến nay, công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Đại hội lần thứ VI của Đảng cộng sản Việt Nam đề xướng đã đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng. Quốc hội quyết định sửa đổi Hiến pháp năm 1980 để đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới" cùng với sự "tiền hô hậu ủng" của hệ thống truyền thông "một chiều" làm nhiệm vụ ca ngợi quảng cáo. 
Người dân "không còn cách nào khác" là phải vui mừng, hy vọng. Nhưng thật khôi hài, sau những lần sửa đi sửa lại, hiến pháp đầu tiên của nhà nước cộng sản là hiến pháp 1946 lại được chính những người đã từng là những cán bộ cấp cao của đảng cộng sản đánh giá là hiến pháp tiến bộ nhất. Còn hệ thống pháp luật xây dựng trên nền của các hiến pháp được sửa đổi đó thì được các cán bộ cao cấp ngành tư pháp nhận xét là "Pháp luật ở Việt Nam xử đúng cũng được mà xử sai cũng được", "Việt Nam có một rừng luật nhưng lại chuyên sử dụng luật rừng", "Luật pháp ở Việt Nam biến con khủng long thành con thạch sùng dễ như bỡn"...
Không hề quá đáng khi cho rằng: Càng ngày càng có nhiều điều luật "quái gở" được đưa vào hệ thống pháp luật. Hầu như bất kỳ người dân bình thường nào cũng có thể đưa ra vài ba dẫn chứng về tình trạng tồi tệ của pháp luật ở Việt Nam ngày nay mà mình là nạn nhân. Như vậy "động cơ" sửa đổi không phải là vì mong muốn có một hiến pháp tiến bộ hơn mà là để mị dân và quan trọng hơn cả là bảo vệ thể chế độc tài, độc đảng. 
Lần sửa này cũng vậy và “động cơ” còn rõ ràng hơn. Ngay sau khi quốc hội ra nghị quyết về sửa đổi hiến pháp thì UB dự thảo được thành lập do ông Nguyễn Sinh Hùng, ủy viên BCT đương kim chủ tịch quốc hội là chủ tịch có tới 8/30 thành viên là ủy viên BCT và 30/30 là ủy viên BCHTW đảng cộng sản Việt Nam. 
Ngày 8/8/2011 UB dự thảo đã họp và kết luận cuộc họp ông chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đã lưu ý: "quá trình hoạt động của Ủy ban phải đảm bảo nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, đồng thời cũng giữ vững nguyên tắc tập trung, dân chủ, lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân"
Cuối tháng 10/2011 ông đại tá, tiến sĩ Nguyễn Văn Quang thay mặt đảng nhà nước viết bài "đừng nhầm lẫn từ nhân dân trong hiến pháp". Đây là một bài viết dài dòng, khó hiểu đưa ra định nghĩa từ "nhân dân" một cách ngây ngô, lố bịch. Tuy bị công kích, mỉa mai dữ dội nhưng nó cũng giúp đảng nhà nước bóng gió cảnh báo cho những góp ý sửa đổi hiến pháp "trái chiều" rằng: đòi bỏ hoặc sửa điều 4 hiến pháp hoặc sửa một điều gì đó ảnh hưởng tới quyền lãnh đạo của đảng cộng sản sẽ không được chấp nhận. 
Vừa qua, trước thời điểm lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi hiến pháp vài ngày khi trưởng bạn biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp là ông Phan Trung Lý mới "le lói": "Nhân dân có thể cho ý kiến đối với điều 4 Hiến pháp như với tất cả các nội dung khác trong dự thảo, không có gì cấm kỵ cả". Thì ngay lập tức TBT Nguyễn Phú Trọng đã làm "tắt ngấm" qua khẳng định việc lấy ý kiến nhân dân để sửa đổi hiến pháp là đợt "sinh hoạt chính trị quan trọng" và giao nhiệm vụ cho lực lượng công an và quân đội phải "ngăn chặn những hành vi lợi dụng dân chủ việc lấy ý kiến nhân dân để tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước", "chỉ đạo chặt chẽ công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; phối hợp với các cơ quan tổ chức hữu quan kịp thời đấu tranh, ngăn chặn những hành vi lợi dụng dân chủ việc lấy ý kiến nhân dân để tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước ta". Đủ cho bất kỳ "thằng dân cỡ can đảm" nào trước khi góp ý về điều 4 cũng phải "tè ra quần vài bãi", còn "yếu bóng vía" thì chắc hẳn là "hai hòn dái phải thọt lên tận cổ".
Còn vô số căn cứ nữa nhưng chừng đó là đủ để khẳng định "cảnh mừng..." của những "con bệnh" tuy chưa kết thúc là mừng "hụt".
Cảnh mừng hụt này có điểm giống với cảnh mừng hụt của lũ trẻ trong truyện "Trẻ con không được ăn thịt chó": Cả hai cảnh mừng hụt đều có một nguyên nhân từ "lòng tham...", tham ăn của người bố lũ trẻ, tham quyền cố vị của đảng cộng sản từ xưa vốn tự coi mình như cha mẹ của người dân. Điểm khác: lũ trẻ con bị mừng hụt vì ngây thơ, vì đói nhưng chúng không bị lừa. Còn nhiều người dân Việt Nam trong đó có những người mà trên đầu đã hai thứ tóc thì không phải ngây thơ mà là vì gặp phải một "kẻ lừa dối siêu hạng". 
1/2013
Trần Hoàng Lan
 
 

Copy từ: Dân Làm Báo


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét