Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2013-01-04
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định “biểu tình chống Trung Quốc là không nên, hoàn toàn không có lợi mà trái lại làm cho Trung Quốc viện cớ để xuyên tạc thiện chí của Việt Nam, xuyên tạc chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình của Việt Nam”.
Trong ngày đầu năm 2013, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh
trả lời trên báo Tuổi Trẻ khẳng định rằng người biểu tình có nhiều loại,
nhưng yêu nước hay không đều bất lợi đối với chính sách hòa bình trên
Biển Đông của Việt Nam. Ông Vịnh cho rằng “với những ai có dã
tâm độc chiếm biển Đông thì họ sẽ viện cớ biểu tình để xuyên tạc thiện
chí của Việt Nam, xuyên tạc chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện
pháp hòa bình của Việt Nam. Vậy thì ai đang chờ biểu tình và biểu tình
có lợi cho ai?”
Lý cớ ông Vịnh nêu ra trong bài báo không được dư luận
chấp nhận vì suy cho cặn kẽ thì Trung Quốc chưa bao giờ có chính sách
hòa hoãn đối với Việt Nam khi vấn đề tranh chấp nổ ra.
Không thuyết phục được ai
Thạc sĩ Đào Tiến Thi, người có nhiều bài viết về người biểu tình cho biết ý kiến của ông về lập luận của thứ trưởng Vịnh:
Chả hiểu ông Nguyễn Chí Vịnh ông ấy nghĩ như thế nào
bởi vì kẻ xấu nó sợ mình xuyên tạc thì mình nói thế nào nó cũng cho là
xuyên tạc. Nếu chỉ sợ nó xuyên tạc mà mình không dám làm thì chả còn làm
được gì nữa cả.
Từ năm 1974 Trung Quốc đã lợi dụng tình đồng chí của Hà
Nội trong chiến tranh Việt Nam để miền Bắc thừa nhận một cách gián tiếp
hành động xâm lược quần đảo Hoàng Sa khi ấy do miền Nam kiểm soát. Năm
1988, lợi dụng tiếp sự mất máu của Hà Nội sau chiến tranh biên giới,
Trung Quốc tiếp tục đánh chiếm đảo Gạc Ma và từ đó đến nay chưa lúc nào
Bắc Kinh ngừng lại các động tác xâm lấn trên vùng biển Hoàng Sa của Việt
Nam để cuối cùng cái tên thành phố Tam Sa chính thức nằm trên bản đồ
hành chánh của Bắc Kinh.
Bao nhiêu đó cũng chưa đủ cho Hà Nội tin rằng tình đồng chí không là gì cả đối với cơn khát dầu của người bạn phương Bắc.
Khi các cuộc đàn áp biểu tình nổ ra trùng hợp với làn
sóng cách mạng từ Trung Đông và Bắc Phi khiến người dân hiểu ngầm rằng
nhà nước lo ngại một cuộc lật đổ chính quyền nên ngăn cấm biểu tình. Thế
nhưng khi làn sóng ấy tắt hẳn thì những cuộc đàn áp người biểu tình
cũng không được nới tay. Lúc này người dân hiểu ra rằng chính sách nối
liền hai Đảng Cộng Sản đã khiến Việt Nam mạnh tay đàn áp biểu tình.
Chính sách ấy bị Bắc Kinh lợi dụng và ra tay áp đặt, khống chế thậm chí
gài bẫy để đạt được mục đích.
Biểu tình có làm mất ổn định?
Có phải người biểu tình làm cho xã hội mất ổn định như
lời của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh hay không? Thạc sĩ Đào Tiến Thi
nhận xét thái độ của người biểu tình như sau:
Người biểu tình ở Việt Nam rất ôn hòa tuy rằng người
dân rất bức xúc, rất căm phẫn đối với hành động xâm phạm chủ quyền Việt
Nam, thế nhưng người Việt Nam đi biểu tình rất ôn hòa, những khẩu hiệu
cũng không có gì kích động. Người biểu tình cũng rất trật tự, đàng
hoàng. Nếu công an không đàn áp thì những buổi biểu tình rất đẹp vừa cổ
vũ được tinh thần yêu nước, đánh thức trách nhiệm đối với đất nước của
mỗi người, nó vừa thể hiện tinh thần đoàn kết quyết tâm chống giặc của
người Việt Nam, rất tốt cho công cuộc phòng vệ đất nước.
Thế nhưng ông Nguyễn Chí Vịnh lại bảo là gây bất ổn thì điều đó không chấp nhận được vì không đúng sự thật.
Nếu công an không đàn áp thì những buổi biểu tình rất đẹp vừa cổ vũ được tinh thần yêu nước, đánh thức trách nhiệm đối với đất nước của mỗi người, rất tốt cho công cuộc phòng vệ đất nước.
Thạc sĩ Đào Tiến Thi
Các giới chức cao cấp Việt Nam viếng thăm Bắc Kinh,
trong đó có Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cứ mỗi lần về lại Hà Nội thì
chừng như đều tuyên bố một văn bản như nhau: ca tụng chính sách hòa hiếu
của hai đảng mà họ vừa ký kết với Bắc kinh. Nhưng đồng thời chỉ sau đó
vài ngày, ngư dân Việt Nam bị bắt, bị tịch thu tài sản lại xảy ra.
Bắc Kinh đã rất thành công trong công tác tuyên vận: làm
cho lãnh đạo Việt Nam mất uy tín trong mắt người dân khi vẫn tươi cười
trên bàn tiệc ngoại giao nhưng lại lạnh lùng như không hề biết có sự bắt
bớ, giam cầm hay cướp bóc của lực lượng bán quân sự Trung Quốc đối với
ngư dân Việt Nam.
Đâu là sự thật
Sự thật của hai chữ hòa hiếu này được lập lại trong ngày đầu năm 2013: ngay sau khi bài báo trả lời của Tướng Nguyễn Chí Vịnh được phổ biến, Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc loan báo đưa hai tàu hải giám 75 và 84 có sự hỗ trợ của máy bay trinh sát tới tuần tra gần ngay Vịnh Bắc Bộ, tại khu vực mà tháng trước Việt Nam tố cáo Trung Quốc làm đứt cáp tàu khảo sát địa chấn Bình Minh 02.
Chưa hết, hai ngày sau khi ông Vịnh lên tiếng không nên
biểu tình vì sợ Trung Quốc sẽ lợi dụng để chống Việt Nam, tờ báo China
Times của Đài Loan đưa tin tàu chiến Liễu Châu được tăng cường cho hạm
đội Nam Hải của hải quân Trung Quốc. Tàu Liễu Châu được trang bị công
nghệ tiên tiến hàng đầu với một hệ thống phi đạn phòng không tầm trung
có khả năng tiêu diệt các mục tiêu trên không ở khoảng cách tới 50 cây
số. Hạm đội này được xem là mạnh nhất đang hoạt động nhằm khống chế Biển
Đông.
Những sự thật đắng chát này phủ nhận hoàn toàn chính
sách nhịn nhục mà ông Vịnh tuyên bố với báo chí như một người phát ngôn
chính thức của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Không phải bây giờ ông Vịnh mới chứng tỏ mình là người
được quyền phát ngôn, nhưng từ nhiều lần công du Trung Quốc trước đây
ông đã tuyên bố như vậy và lâu dần, báo chí Việt Nam hình như mặc nhiên
công nhận tính chính danh của ông trong những phát ngôn này.
Giáo sư Ngô Đức Thọ nhận định việc phát ngôn của ông thứ trưởng quốc phòng như sau:
Vai trò của ông Nguyễn Chí Vịnh càng ngày càng rõ ra.
Ông ấy hầu như được giao trách nhiệm phát ngôn đối ngoại, mà đặc điểm
này thì hơi lạ của chính quyền hiện nay. Vai trò ông ấy gần như
kiêm luôn Bộ trưởng Ngoại giao. Từ ngày có câu chuyện với Trung Quốc thì
vai trò Bộ trưởng Ngoại giao gần như là vắng bóng, mờ bóng.
Tiếng nói của ông Vịnh lần này đối với phía Đảng Cộng
sản Việt Nam coi như đại diện. Công việc của ông ấy bấy lâu nay được
phân công theo dõi hẳn những quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, Việt Nam-Hoa
Kỳ. Đi đối thoại quốc phòng Việt Mỹ cũng là ông ấy.
Thạc sĩ Đào Tiến Thi nhận xét việc phát ngôn này như một
sự tiếm danh và rất bất thường trong hệ thống chính trị của một nước,
ông nói:
Ông Nguyễn Chí Vịnh nói về biểu tình nó còn gây bức
xúc ở chỗ nó vượt quá cái quyền hạn làm như mình là đại diện của quốc
gia để nói chuyện với Trung Quốc về những vấn đề này. Những vấn đề thuộc
về chính trị, thuộc về ngoại giao rõ ràng không phải thuộc thẩm quyền
của một ông tướng, một Thứ trưởng Quốc phòng như vậy.
Việc ông nói đáng lẽ là việc của Bộ trưởng Quốc
phòng. Có những việc phải là nguyên thủ quốc gia là Chủ tịch nước hay
Thủ tướng mới có quyền nói. Nhưng ông ấy nói như là đại diện của dân tộc
Việt Nam thì không được.
Những trái khuấy ấy liên tục xảy ra khiến dư luận không
thể tránh khỏi những đồn đoán rất xấu cho chính quyền. Mỗi ngày lời đồn
thêm cao, mỗi ngày bức xúc càng nhiều và hố sâu giữa chính quyền và
người dân càng lan nhanh. Sự uất ức Trung Quốc cộng với cách hành xử của
chính quyền càng làm mồi lửa biểu tình chống Trung Quốc có lý do bùng
lên.
Có những việc phải là nguyên thủ quốc gia là Chủ tịch nước hay Thủ tướng mới có quyền nói. Nhưng ông ấy nói như là đại diện của dân tộc Việt Nam thì không được.
Thạc sĩ Đào Tiến Thi
Hành động đàn áp mạnh mẽ của chính quyền tuy thành công
bề mặt nhưng phía sau nó là những tiềm ẩn khó đối phó hơn khi người dân
tiếp cận được với thông tin dân chủ và cảm thấy biểu tình là quyền, là ý
thức của dân chúng trước mọi vấn đề đang xảy ra trong đời sống xã hội,
quốc gia nhất là vấn đề ấy liên quan đến vận mệnh đất nước.
Bao nhiêu năm đã qua với bao đời Tổng bí thư, chưa thấy
ai có viễn kiến đối phó với làn sóng đỏ tràn xuống Biển Đông. Vòng quay
hòa hiếu tiếp nối sau mỗi nhiệm kỳ và người dân lại tiếp tục sống trong
im lặng.
Nhà nước tận dụng sự im lặng ấy và không khó nhận ra
Trung Quốc rất đồng tình cùng với Hà Nội. Kẻ mất trắng vẫn là người dân
và không ai hướng dẫn cho một số rất đông dân chúng thấy rằng sự im lặng
không thể là giải pháp.
Vậy thì tại sao không chọn biểu tình như một phương pháp
đánh động sự chú ý của dư luận thế giới? Câu hỏi này có lẽ còn rất lâu
mới được giải mã.
Theo dòng thời sự:
- Giải mã chính sách Biển Đông
- Bảo tồn văn hóa để xây dựng nội lực và chống ngoại xâm
- Sự vô nghĩa của từ “hợp tác”
- Nhìn lại tình hình biển Đông năm 2012
- Xu hướng hiện đại trong nhạc trẻ Việt Nam
- Tướng Nguyễn Chí Vịnh: không nên biểu tình chống TQ
- Nguy cơ mất nước đã cận kề?
- Phỏng vấn BS Huỳnh Tấn Mẫm sau cuộc biểu tình 9/12/2012
- VN vẫn chủ trương đàn áp biểu tình chống TQ
Copy từ: RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét