CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

Vụ tiền lương SCIC và ‘công bằng xã hội’ tại VN ngày nay


Đã hai tuần lễ trôi qua kể từ ngày vụ tiền lương của các quan chức Tổng Công ty Đầu tư Kinh doanh Vốn Nhà Nước (State Capital Investment Corporation, SCIC) bộc phát hôm 2/12, nhưng đến nay vẫn còn ‘nóng hổi’ trên nhiều báo. Thậm chí còn có vẻ gay gắt hơn khi sáng qua 17/12 tờ Tuổi Trẻ đưa tin nguyên tổng giám đốc Jetstar Pacific Airlines Lương Hoài Nam đã bị chận lại tại phi trường không cho xuất cảnh vì có liên quan đến SCIC.
Tuy nhiên, việc nhiều báo tỏ ra ‘mạnh miệng’ hơn bình thường sau một thời gian dài im lặng sau vụ hai nhà báo Nguyễn Văn Hải và Việt Chiến bị bắt, vụ việc dính dáng đến một số quan chức cấp cao có người nằm trong ban chấp hành trung ương đảng như ông BT Tài Chính Vũ Văn Ninh khiến nhiều người nghi ngờ động cơ trong sáng của vụ SCIC không phải vì chống tham nhũng, mà đơn thuần chỉ là chuyện ‘đấu đá’ nhau thường thấy xảy ra trước mỗi kỳ đại hội đảng.
Làm quan = làm chơi ăn thiệt?
Tình trạng bất công leo thang trong xã hội VN đã khiến những ai từng ảo tưởng về một xã hội “làm theo khả năng hưởng theo nhu cầu” của Mác, từ lâu đều đã phải ‘vỡ mộng’. Thế nhưng, khi mức lương cao ngất của các quan chức SCIC được đưa ra trước công luận, nó đã khiến không ít người vẫn cảm thấy ‘sốc’. Bởi trong khi hàng triệu lao động cả nước phải dầm mưa dãi nắng trên đồng ruộng, phải đối mặt với nguy hiểm TQ ngoài biển khơi hoặc vất vả trong các nhà xưởng nóng bức ô nhiễm v.v.. mới kiếm nổi 1.000 USD/năm là GDP của VN hiện nay, thì các quan SCIC tiếng là ‘đầy tớ’ nhưng lại được ngồi mát hưởng những bát vàng trị giá 70-80 triệu đồng/tháng.
Sự phi lý này khiến thu nhập của người lao động vốn đã thấp nay trông càng thảm hại hơn. ‘ông chủ nhân dân’ sau một năm làm việc cật lực mà chỉ bằng lương tuần của tên ‘đầy tớ cán bộ’ thử hỏi trên thế gian này còn có nơi đâu ‘công bằng’ hơn cái “xã hội văn minh - công bằng” của VN?
Bởi vậy bất chấp cơn sốt bóng đá Seagames, khi ‘quả bom’ tiền lương SCIC nổ ra nhiều người đã chẳng thể thờ ơ, bỏ qua. Những comments đọc được trên các báo cho thấy sự phẫn nộ của công chúng về vụ này ra sao: “Quan chức SCIC họ là những ai? Là những trùm tư bản, băng mafia hay là đảng viên của đảng luôn nguyện “trung thành với nước, nguyện suốt đời làm đầy tớ trung thành cho nhân dân” và “vì dân, do dân, lấy dân làm gốc” v.v…
Giao trứng cho ác?
SCIC được thành lập vào ngày 20/6/2005 bởi quyết định 151/2005/QĐ-TTg thời thủ tướng Phan Văn Khải, nhưng đến tháng 8/2006 họ mới chính thức đi vào hoạt động với nhiệm vụ quản lý vốn nhà nước của hơn 800 doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực quan trọng khác nhau, như tài chính, năng lượng, công nghiệp, viễn thông, công nghệ thông tin xây dựng, y tế và cả sản xuất hàng tiêu dùng v.v...
Sau 3 năm âm thầm hoạt động không mấy nổi bật, bỗng dưng cuối tháng 9 vừa qua trên nhiều tờ báo người ta thấy xuất hiện một bài viết ca tụng SCIC nhan đề Vốn Nhà nước "phình to" trong tay SCIC” mà đọc vào thấy cái gì cũng tốt đẹp cũng ‘đầy triển vọng’, như “…được Chính phủ giao trọng trách quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước tại các doanh nghiệp sau cổ phần hóa, tính đến nay, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại hơn 900 doanh nghiệp... Mặc dù, mới đi vào hoạt động được 3 năm, nhưng mô hình quản lý vốn mới thông qua định chế tài chính đặc biệt này đã bước đầu chứng tỏ hiệu quả của chủ trương tái cơ cấu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp”.
Những ngày sau đó vào đầu tháng 10, người ta lại thấy tên tuổi vị ‘đại gia’ này một lần nữa bay bổng trên trang chuyên về chứng khoánTiền đang chảy về “siêu tổng công ty” SCIC và tự khoe rằng ‘tổng số vốn Nhà nước mà SCIC tiếp nhận là 6.925 tỷ đồng (chưa tính Vietcombank), giá trị thị trường hiện nay là khoảng 25.000 tỷ đồng, tăng gần 4 lần’.
Thế nhưng đến đầu tháng 12 này, loạt phóng sự trên tờ Tiền PhongLương hay Lậu?; Lỗ dài, lương vẫn hàng tỷ đồng/năm; DN thua lỗ, TGĐ hưởng lương bạc tỉ: Bạn đọc bất bình; Lương bạc tỷ ở SCIC, còn các tập đoàn khác ra sao?” v.v… đã ‘bật mí’ cho mọi người thấy ‘dung nhan’ một SCIC hoàn toàn khác. Tại hãng hàng không JetStar Pacific Airline (JPA) là nơi SCIC đang chiếm giữ tới 75,78% trong tổng số 647,8 tỷ đồng vốn nhiều liền làm ăn thua lỗ liên tục. Tờ Đất Việt trong bài Jetstar Pacific và Vinapco ‘tố’ nhau chiếm dụng vốn (nhà nước) hồi tháng 6/2009, cho biết “mỗi tháng Jetstar Pacific thiệt hại 500 triệu đồng do chênh lệch lượng nhiên liệu nạp giữa đồng hồ đo xăng của Vinapco và đồng hồ đo trên máy bay của Jetstar Pacific
Tình hình kinh doanh ‘u ám’ là vậy nhưng các quan SCIC cả người về hưu lẫn kẻ đương nhiệm, từ ông Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh kiêm nhiệm Chủ tịch HĐQT. Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc là ông Trần Văn Tá. Các ủy viên HĐQT kiêm nhiệm là Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Cao Viết Sinh, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà.. cho đến hai thành viên chuyên trách HĐQT là các ông Hoàng Nguyên Học- Phó Tổng giám đốc và ông Nguyễn Quốc Huy- Trưởng Ban Kiểm soát v.v.. vẫn cứ được ‘vỗ béo’ đều đều, hàng tháng lĩnh lương vài chục triệu đồng/ người!!!.
Mà cũng không chỉ có các ‘quan’ người Việt không thôi. Trong danh sách lương 2008 của JPA người ta còn thấy có cả những đối tác người nước ngoài cũng được hưởng lương cao ngất trời. Đó là các Phó Tổng giám đốc Daniela lương 5,1 tỷ đồng, Phó Tổng giám đốc Tristan Freeman 3,3 tỷ đồng!
Số liệu do một công ty kiểm toán nhà nước đưa ra để ‘kết tội’ một tổng công ty nhà nước khác chắc chắc không phải là ‘diễn biến hòa bình’ nên rất ‘đúng người đúng tội’. Vậy mà sau khi vụ việc bị đưa lên mặt báo hôm 2/12, cả hơn chục ngày sau ông bộ trưởng Vũ Văn Ninh mới thừa nhận cùng tờ Tiền Phong hôm 14/12, là nơi đã ‘bắn phát súng’ đầu tiên, rằng “số tiền 78 triệu đồng/tháng mà lãnh đạo doanh nghiệp này được nhận là thu nhập có thật” [5] nhưng lại lấp liếm rằng đó là “thu nhập chưa tính thuế và không chỉ bao gồm lương mà trong đó thực ra gồm 3 khoản tiền khác…!!!” sau một hồi vòng vo, cuối cùng ông lại bảo “ tôi đã chỉ đạo giảm lương của SCIC, Jetstar” !? và rằng “Ở đây, có hai khoản anh em làm có thiếu sót. Chẳng hạn biên chế mới đầu duyệt tiền lương cho 180 người nhưng trên thực tế chỉ có 130 người được chi trả lương. Thực tế, SCIC có lấy quỹ lương của 180 chia cho 130. Sau khi biết, tôi đã yêu cầu trả lại ngay
Lấy tiền công quĩ chia nhau đợi đến khi nhân dân phát hiện mới chịu đem trả, tinh thần ‘phê và tự phê’ và ‘học tập gương đạo đức HCM’ của các quan trốn đâu cả rồi? Mà luật lệ xứ mình cũng ‘dễ chịu’ với họ thật, 25 ngàn tỷ VND tương đương 1,25 tỷ USD là số tiền không hề nhỏ đối với một quốc gia còn nghèo như VN, nhưng nó đã được chính phủ giao cho một đơn vị như SCIC quản lý và tiêu xài vô trách nhiệm như thế, có khác nào đem cuộc sống của hàng triệu dân lành giao nộp cho quân ác?
Sẽ lại ca bài “trách nhiệm quá lớn”?
Quản lý trên 800 doanh nghiệp dàn trải trên cả nước, trong đó tới gần 200 cái vào loại ‘tầm cỡ’, nhưng tờ Tiền Phong cho biết trong tay SCIC chỉ vỏn vẹn có 130 nhân viên !!!
Nhìn vào con số tương quan lực lượng trên, thiết nghĩ bất cứ lãnh đạo doanh nghiệp nào cũng thấy chỉ để ‘cưỡi ngựa xem hoa’ 800- 900 doanh nghiệp thôi cũng đã đủ đuối rồi, làm sao quản lý? Chính vì vậy mà mới sau ba năm giữ ‘trọng trách’, SCIC hoặc phải ‘bỏ’ bớt vì nhắm ‘bê’ không nổi (nên còn gọi là ‘bỏ bê’) hoặc phải căng sức ra để ôm đồm lấy những nơi quan trọng để đẻ ra thêm chuyện hưởng lương hai đầu, mà báo chí phản ảnh mấy ngày qua.
Trong bài báo ‘mèo khen mèo dài đưôi’ nói trên SCIC cũng cho biết sự ‘chuyển hướng’ của họ và tất nhiên là bằng cách rất khôn khéo lựa chọn và thực hiện đầu tư mua cổ phần phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu của 163 doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả nhằm gia tăng lợi nhuận cho nhà nước, hạn chế hiện tượng “pha loãng” cổ phần nhà nước tại doanh nghiệp” . Nếu ai có dịp vào thăm trang nhà www.scic.vn cái mà mọi người sẽ được thấy nhiều nhất, không gì hơn ngoài rao bán, thanh lý vốn, tài sản hàng trăm doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ.
Việc ‘tinh giảm biên chế’ như vậy thoạt nghe thì có vẻ rất hợp lý, vì chẳng thà làm nhỏ, làm ít mà chắc chắn vẫn hơn. Thế nhưng nhìn lại vụ JetStar thua lỗ hàng trăm tỷ đồng nhưng nơi này SCIC chiếm giữ tới hơn 75% vốn, cho thấy lý do phân tán vốn hoàn toàn không thuyết phục chút nào mà là chuyện ‘gặm thịt bỏ xương’.
Cái họ thiếu, cũng như bao doanh nghiệp quốc doanh thua lỗ trước nay, muôn đời vẫn là thiếu cái Tâm, cái Tầm. Cái gì đảng ta cũng muốn ôm khư khư vào lòng nhưng cả trình độ quản lý lẫn đạo đức cách mạng lại không đủ.
Vụ JPA thua lỗ đậm năm 2008 đang có thông tin râm ran cho rằng, công ty bay này có nhiệm vụ phải làm ăn thua lỗ thì phía đối tác JetStar, từ lâu với mong muốn tăng vốn lên 51% nhưng vẫn chưa được chấp thuận, mới có lý do chính đáng để thực hiện ‘ước mơ’ thâu tóm toàn bộ các tuyến đường bay trong nước. Và họ không thể tự mình thực hiện được điều này nếu thiếu sự ‘hợp tác’ từ các quan chức SCIC đang là bên nắm tới trên 75% vốn. (thông tin này vừa được Tiền Phong nêu lên sáng nay 18/12 trong bài “ JP thua lỗ hàng chục triệu USD: Là chiêu thôn tính?”)
Cháy nhà ra mặt chuột!
Việc tự ban phát cho nhau mức lương cao ngất trời tại SCIC đã làm “ dư luận xôn xao” (BBC- 09/12). Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số lương chính thức mà chưa tính đến ‘lậu’, là các khoản thu nằm ngoài sổ sách tương tự như ‘quĩ đen’ ở Nông Trường Sông Hậu khiến bà ‘anh hùng’ Trần Ngọc Sương phải ra tòa. Ở Vn ai đã từng làm việc trong các cơ quan nhà nước đều biết không nơi nào mà lại không có những loại quĩ mệnh danh ‘cải thiện đời sống’ như vậy.
Nếu mà biết chính xác tổng số tiền các sếp ở SCIC lãnh là bao nhiêu, tôi chắc sẽ có nhiều anh hùng liệt sĩ, các bà mẹ có công cách mạng phải nhập viện vì lên cơn…đau tim!
Bởi vì báo cáo kết quả kiểm toán SCIC cho thấy tình trạng bất công, mức độ chênh lệch giàu nghèo trong xã hội VN ngày nay đã leo đến mức báo động đỏ và được hiển thị rõ ràng rành mạch bằng những con số hẳn hoi, chứ chẳng còn bằng cảm nhận mơ hồ nào nữa: 80 triệu x 12 tháng (lương năm các quan) / 20 triệu (GDP), có nghĩa tỷ lệ giàu / nghèo là 50/ 1 !!!
Con số này có nghĩa, phải gom góp công sức lao động quần quật suốt năm của 50 người lao động trên các cánh đồng hay trong những nhà máy nóng bức bụi bặm trong các khu chế xuất thì mới có đủ tương quan lực lượng để có thể ‘so kè’ với lương của một vị quan của SCIC.
Và đây mới chính là bản mặt thật của cái gọi là ‘văn minh và công bằng xã hội’ mà nhà nước VN vẫn thường rỉ rả bấy lâu nay.
Giá như ‘chùm khế quê hương’ bớt ngọt?
Khách quan mà nói mức lương 5-6 ngàn USD (tức xấp xỉ 100 triệu / tháng) hiện nay cũng không phải là điều gì ‘ghê gớm’ lắm đối với dân các thành phố lớn trong nước, những nơi có mặt nhiều công ty tập đoàn kinh doanh nước ngoài. Và trình độ nhận thức của người dân bây giờ cũng không còn ‘nghèo’ đến mức hễ cứ thấy ai giàu là ganh ghét, muốn đem ra ‘đấu tố’ họ như thời thập niên 50 xa xưa. Mà ngược lại, những ai làm giàu bằng tài năng và nhất là làm giàu bằng tri thức, một cách chân chính càng ngày càng được mọi người nể phục.
Do vậy, vụ SCIC khiến dư luận ngỡ ngàng chắc chắn không phải vì những con số 70- 80 triệu hay thậm chí hơn nữa nhưng vì cách làm ăn ‘mập mờ’ của nhà nước ta, hễ cái gì ngon, ngọt đều bị xếp vào hàng ‘bí mật quốc gia’ khiến dân chúng bị mù thông tin. Lâu nay chẳng biết SCIC là ai nay ‘đùng’ một cái nghe tin họ lãnh mức lương ấy nếu dân chúng chẳng ai băn khoăn, thắc mắc các ‘sếp’ SCIC bấy lâu nay đã đem vốn liếng quốc gia đi ‘mần ăn’ ở những đâu, lời lỗ ra sao mà họ lại được trả mức lương cao ngất trời xanh như thế…? Chắc rằng đất nước mình đã đến hồi mạt vận mất rồi!?
Tại các công ty văn phòng đại diện thương mại tầm cỡ ‘world-wide’ tại Sàigòn mà người viết có dịp biết, nhân viên nào có năng lực họ được trả lương rất hậu hĩnh, nhưng để đổi, mối quan hệ ‘chủ - tớ’ luôn rất sòng phẳng!
Không bao giờ có chuyện chủ chịu ‘nhịn ăn’ vì những khoản chi lương bất hợp lý cho nhân viên, dù chỉ vài trăm ngàn đồng/ tháng, nếu người được ưu đãi không chứng tỏ được khả năng dùng thương hiệu của chủ để đi hái ra tiền đem về nộp lại cho họ, ít nhất cũng là 2-3 lần nhiều hơn lương.
Trong khi ấy công sức, hiệu quả quản lý và sử dụng hầu bao, tài sản của quốc gia của các quan chức SCIC còn khá là mơ hồ, thậm chí để thua lỗ như tại JetStar thì các ‘đầy tớ nhân dân’ vẫn cứ tự ban phát bổng lộc cho nhau bằng mức lương rất chính xác, hệ số lương phải nhân chi tiết đến tận hai con số lẻ, từ 2.82 nâng lên 4.25!?
Câu chuyện SCIC làm chúng ta nhớ lại vụ 18.4 USD tiền thưởng của các quan chức Wall Street Mỹ hồi Tháng Hai năm nay, khiến tổng thống Barack Obama mặc dù mới nhận chức khi ấy cũng đã phải nặng lời với họ: “thật xấu hổ cho các chuyên viên ngân hàng tại Wall Street nhận tiền thưởng nhiều tỷ đôla trong khi người dân đang hỗ trợ cho ngành này” và gọi hành vi này là thể hiện mức "vô trách nhiệm cao độ" !!! (BBC – 30/1/2009)
Nước Mỹ giàu nhất nhì thế giới mà họ còn nghiêm khắc với ‘quả trứng vàng’ Phố Wall như vậy, trong khi ở VN ta, nghèo nhưng khi vụ tiền lương của các sếp SCIC bị đổ bể sau hơn chục ngày rồi mà chẳng thấy lãnh đạo đất nước lên tiếng thật là khó hiểu?
Có lẽ cũng vì cảm thấy ‘sốt ruột’ nên tờ Pháp Luật Online hôm 6/12 đã phải vay mượn lời ông B.Obama như muốn nhắc khéo các ‘lãnh tụ kính yêu’ VN mình, rằng “Đây là hành vi khiếm nhã trong thời khủng hoảng kinh tế. Những người này không hề có trách nhiệm với cơn khủng hoảng đang đè nặng trên vai hàng triệu người dân. Những nhà lãnh đạo doanh nghiệp đó đã được thưởng cho vai trò kém cỏi của họ trong quản lý, đặc biệt là khi những khoản lương, thưởng chảy vào túi họ là từ túi của những người đóng thuế mà ra. Tôi quyết không khoan nhượng cho việc này!” và ông đã làm đến nơi đến chốn vụ này ngay sau đó, nhiều triệu USD đã được thu hồi về cho ngân sách.
Không biết các vị ấy có ai đọc được lời nguyền rủa cùng thái độ cương quyết của ông Obama mà cảm thấy áy náy trước việc các quan SCIC đang ‘nhạo báng’ hàng triệu dân nghèo trên cả nước hay không?
Người ta thường bảo ‘không ai hiểu tính nết con cái hơn bố mẹ’. Đem câu này vào bình diện lớn hơn sẽ là ‘không ai giải thích lý do tham nhũng chính xác hơn chính ông Nguyễn Minh Triết’, vì ông ta là chủ của cái lò tham nhũng này và vì đã có lần ông tỏ ra rất am hiểu về nó khi chuyện trò với vài trăm Việt kiều tại Hà Nội về tham nhũng và ví von với người thủ quĩ, mà hiểu theo ý ông thì tham những VN là do hoàn cảnh đẩy đưa, chứ tố chất nòi giống Lạc Hồng của dân mình chưa thấy ai có loại gen nào tên là ‘tham nhũng’ cả !!!
Đem lời lý giải ấy vào thực trạng đất nước tham nhũng tràn lan ở VN không phải lỗi do đảng mà do cái ‘chùm khế quê hương’ nó quá… ngọt !!! Lý do: sau một thời ‘đi hoang’ ra khỏi xã hội văn minh loài người, sự nghèo đói đã làm suy kiệt mọi mặt trên mảnh đất hình cong chữ S này khiến nó trở nên quá quá hấp dẫn trong con mắt các nhà tư bản. Vì chỉ cần chi ra những đồng tiền rẻ mạt lúc nào cũng có sẵn hàng chục triệu dân sẵn sàng cung phụng từ A- Z. Từ kiếm tiền cho đến vui chơi ‘kính thưa’ các kiểu tha hồ thỏa thích !!! Chính ông chủ tịch Nguyễn Minh Triết trong chuyến Mỹ du hồi Tháng 5 năm nay, trong một buổi diễn thuyết đã chẳng ngần ngại nói ra mấy chữ ‘gái VN đẹp’ như một thứ lợi thế mà các doanh nhân Mỹ cần lưu ý. Thật đáng xấu hổ!
Tất nhiên, trước khi bàn tay của các nhà tư bản nước ngoài chạm được những trái ngọt đậm chất ‘hoang sơ’ này họ phải sự được sự cho phép của các quan. Cây khế ngọt VN trồng trên đất do ‘dân làm chủ’ nhưng lại được đảng ‘quản lý’ còn ai ngăn cấm các quan ta “trèo hái mỗi ngày”?
Thay lời kết
Chính cái giai đoạn ‘nhập nhằng’ tiến lên XHCN bằng kinh tế thị trường ở VN như VN hiện nay đã giúp cho các môn đệ Mác vào được tới ‘thiên đường’ với những căn nhà lầu xe hơi, villa biệt thự sang trọng, tiền đô rủng rỉnh gởi trong các nhà băng họ đang sở hữu, mà khỏi phải nhọc công tìm kiếm thêm thiên đường ở thời sau ‘thời kỳ quá độ’ nào nữa.
Chỉ có điều Mác cũng không lường nổi là khi các đệ tử Mácxít của ông ta vào được thiên đường không còn hơi hám ‘xã hội chủ nghĩa’ này, cũng giống như khi những đồng tiền đen nhảy múa giữa tòa án khiến công lý phải lặng lẽ khăn gói ra đi. Hàng triệu dân nghèo trong nước vì phải ‘nhường’ miếng cơm manh áo của họ cho các quan, họ không còn thiên đường nào khác để đi tiếp nên đành phải quay ngược lại xuống địa ngục trần gian, sau khi đã bị cướp dọc đường mọi thứ. Từ nhân phẩm, các quyền tự do… cho đến nhà cửa ruộng vườn v.v…
Trong bài “Trung Quốc và Việt Nam làm gì với Marx” trên diễn đàn BBC cách nay mấy ngày, nhà nghiên cứu Nguyễn Kiến Giang mô tả tình cảnh này rất chính xác, như sau: "Khi những người lao động lương thiện và những người có công với đất nước rơi vào cảnh nghèo khổ, may lắm là đủ ăn, còn cả một bọn ăn cướp hợp pháp và bất hợp pháp thì tha hồ xà xẻo của cải đất nước, trở thành những phần tử giàu có theo lối “hãnh tiến-lưu manh chính cống."
Quan chức càng có chức vụ cao, được đi nhiều, tiếp xúc nhiều mặc dù ngoài miệng vẫn hô hào ‘tiến lên XHCN’ nhưng họ nhận thức rất rõ mọi thứ đúng sai đang diễn ra trên đất nước mình là hoàn toàn không có tương lai, vì thế ai nấy đều phải ‘tranh thủ’ thời cơ!
Cuối cùng, xin trở lại với đoạn mở đầu của bài viết: chuyện tiền lương của các quan SCIC và tại JetStar Pacific Airline xảy ra lâu nhưng sao bây giờ mới bị phanh phui và vào thời điểm này?
Không ở chung chăn chúng ta thật khó mà biết lúc nào họ bị rận cắn? Tuy nhiên, dường như đã thành lệ, hễ mỗi lần đảng sắp bước vào mùa tranh… ghế (thay vì tranh cử như thiên hạ) là y như rằng sẽ có chuyện ‘đấu đá’ nhau xảy ra.
Vụ SCIC năm nay không chừng sẽ lại là sự lập của bản kịch bắt cờ bạc tại một công viên ở Hà Nội, mà ban đầu mọi người cứ tưởng chỉ là ‘chuyện nhỏ’. Nhưng không ngờ, từ đó vụ PMU-18 cùng bao thứ tệ hại khác đã bị lôi ra trong thời gian chuẩn bị đại hội đảng 10 năm 2006
Chỉ có điều cũng giống như ‘trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết’, khi các quan ta ‘húc nhau’ nhau, dù thắng hay thua chẳng thấy ai trong họ chết hết (cứ nhìn ‘bị can’ Nguyễn Việt Tiến đang phây phây kia là biết rồi) mà chỉ có hàng triệu dân nghèo khắp nơi sẽ tiếp tục bị ‘chết’ trong nghèo đói lạc hậu bởi việc tranh giành quyền lực kiểu này, thay vì tự do bầu cử, sẽ khiến đất nước còn phải chìm trong chậm phát triển còn lâu. Công bằng xã hội sẽ vẫn mãi còn là ‘món hàng’ quá xa sỉ với dân chúng Việt Nam.
Sàigòn, 18/12/2009
Alfonso Hoàng Gia Bảo
 
Nguồn: ở đây!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét